CẠNH TRANH MỘT CÁCH MÙ QUÁNG
Trong xã hội hiện đại, sự cạnh tranh ngày càng gay
gắt hơn, cha mẹ cũng ngày càng nhận ra tầm quan
trọng của việc bồi dưỡng ý thức và khả năng cạnh tranh
cho con. Do vậy, một nội dung quan trọng trong giáo dục gia đình
hiện nay là bồi dưỡng cho trẻ ý thức và khả năng cạnh tranh. Ý
thức cạnh tranh là phản ứng tâm lý tích cực, hăng hái, không chịu
thua kém với những hoạt động của thế giới bên ngoài. Đó là tiền đề
để phát sinh hành động cạnh tranh. Bồi dưỡng cho trẻ ý thức cạnh
tranh, khuyến khích cạnh tranh tích cực có ý nghĩa rất lớn với sự
phát triển lành mạnh của trẻ.
Nhiều cha mẹ nhận thức được rằng, cho trẻ sớm biết về ý nghĩa và
tầm quan trọng của cạnh tranh là điều cần thiết. Vậy là họ dùng mọi
cách khuyến khích trẻ tham gia cạnh tranh. Điều này là tốt, nhưng nếu
làm một cách mù quáng, không cho trẻ biết ý nghĩa của cạnh tranh thì
nó sẽ không có tác dụng thúc đẩy, ngược lại còn khiến trẻ vì muốn được
khen mà cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khi thành công thì dương dương
tự đắc, lúc thất bại thì đổ lỗi cho người này người kia, thậm chí, ghét bỏ
đối phương, nghiêm trọng hơn còn có hành động hãm hại người khác.
Bố mẹ Hùng nhận thức rất rõ mức độ cạnh tranh trong xã hội ngày nay. Để
con không bị đào thải, ngay từ khi Hùng còn nhỏ, họ đã dùng mọi cách
khuyến khích em cạnh tranh. Hùng rất giỏi, em đã không phụ lòng kỳ vọng
của cha mẹ, từ tiểu học đến trung học, lần kiểm tra nào em cũng đứng đầu
lớp. Khi bố mẹ cho rằng, cách khuyến khích của mình có tác dụng thì không
ngờ, đêm trước kỳ thi cấp ba lại xảy ra sự việc không hay.
Thì ra, chiều hôm đó cô chủ nhiệm đọc kết quả thi giữa kỳ, bất ngờ là Hùng
xếp thứ hai. Từ trước đến nay, em đều đứng đầu, nên khó có thể chấp nhận
được thực tế này. Trong lúc giận dữ, em đã rút con dao gọt hoa quả trong cặp
ra, đâm bị thương bạn xếp ở vị trí trước mình, rồi nghênh ngang bỏ đi.
Ví dụ này khiến nhiều người bất ngờ, nhưng hơn thế, là hồi chuông
cảnh tỉnh những bậc cha mẹ không bồi dưỡng cho con ý thức cạnh tranh
một cách đúng đắn. Vì thế, khi khích lệ trẻ cạnh tranh, cha mẹ nhất
định phải khống chế ở mức độ vừa phải, có mục đích, có khoa học, tránh
để con sa vào cạnh tranh một cách mù quáng.