❋ LỚP HỌC GIA ĐÌNH ❋
Thật ra, việc cha mẹ khuyến khích con cạnh tranh không xấu, nhưng
đừng mù quáng. Có cạnh tranh thì mới có thắng thua, có người thành
công, có người thất bại. Vậy làm sao để cha mẹ bồi dưỡng ý thức cạnh
tranh đúng đắn cho trẻ?
☘ DẠY TRẺ QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN VỀ CẠNH TRANH
Nhiều trẻ nghĩ, cạnh tranh là dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng đối
phương, ví dụ bạn trong lớp được thầy cô khen, liền lập tức nói xấu bạn
đó. Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được rằng, cạnh tranh phải có lợi cho xã
hội, cho tập thể, cho người khác chứ không phải dùng mọi thủ đoạn
chiến thắng đối thủ. Bạn học nên cạnh tranh với nhau để thúc đẩy kết
quả học tập, dùng sự cạnh tranh để thúc đẩy mọi người cùng tiến bộ và
hướng về mục tiêu cao đẹp. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ
cạnh tranh với bạn về tác phong, tinh thần, đạo đức, thành tích học tập,
kỷ luật, chấp hành đoàn kết, sự tiến bộ… Hãy dạy trẻ biết trân trọng
tình bạn, cạnh tranh với bạn phải lành mạnh, chính đáng, không được
làm việc có hại cho người khác.
☘ DẠY TRẺ BIẾT KHOAN DUNG
Phần lớn trẻ thất bại trong cạnh tranh sẽ thể hiện sự không vui, đối
địch với người chiến thắng, biểu hiện cụ thể là không làm bạn với đối
phương nữa, thậm chí xúi giục bạn khác cô lập bạn đó. Điều này cho
thấy, trẻ vẫn chưa nhìn nhận cạnh tranh theo cách tích cực và đúng đắn.
Cùng với việc bồi dưỡng ý thức cạnh tranh cho trẻ, cha mẹ cần nâng cao
đạo đức cạnh tranh, dạy trẻ biết khoan dung, cho chúng hiểu cạnh tranh
không được hẹp hòi, ích kỷ, phải có tấm lòng rộng mở.
☘ LOẠI BỎ TÂM LÝ ĐỐ KỴ
Có những trẻ sợ bạn mình giỏi hơn nên đã dùng phương pháp “kìm
hãm” và “đả kích”. Ví dụ như có tài liệu hay không chia sẻ với bạn, bạn
bè nhờ giúp đỡ cũng coi như không, thậm chí phá hoại tài liệu của bạn
khác. Lúc này, cha mẹ nên chỉ dẫn trẻ thể hiện sự cao thượng, giúp trẻ
nhận thức được rằng, cạnh tranh không phải là nham hiểm và dùng
mưu kế hãm hại người khác, mà là dùng thực lực của bản thân để giành
chiến thắng.