nhưng phản ứng của em rất quyết liệt, thậm chí còn khóc.
Trên thực tế, mục đích cha mẹ khen ngợi là muốn khích lệ con phát
triển theo hướng tốt hơn. Khen ngợi ở mức độ thích hợp có thể giúp trẻ
xây dựng sự tự tin, nhưng nếu khen quá nhiều, trẻ sẽ ỷ lại vào những lời
khen đó, sẽ không chấp nhận sự bài xích và những lời phê bình, cho dù
đó là lời phê bình thiện chí. Những trẻ như vậy thường thiếu nhận thức
đúng đắn về bản thân, làm chút việc nhỏ cũng muốn được khen, nếu
không sẽ không làm.
Từ đó có thể thấy, cha mẹ nên chú ý phương pháp khen ngợi để con
trưởng thành một cách lành mạnh.
❋ LỚP HỌC GIA ĐÌNH ❋
Cha mẹ nói với con những câu như: “Con giỏi quá, con tuyệt vời, con
làm được!” một cách bừa bãi sẽ không mang lại tác dụng gì cả. Chúng
chỉ làm cho trẻ ngộ nhận về bản thân mình mà thôi. Vậy làm thế nào để
khen ngợi con một cách vừa hợp lý, vừa khiến con vui, vừa đạt được mục
đích giáo dục?
☘ KHEN THƯỞNG HỢP LÝ, KHÔNG NÓI QUÁ, CŨNG KHÔNG THỜ
Ơ VỚI TRẺ
Khi con bạn rất dũng cảm làm một việc gì, ví dụ như trước đây con sợ
sâu, nhưng lần này không sợ nữa, bạn có thể nói: “Con thật dũng cảm,
hôm nay không sợ sâu nữa rồi!”. Lúc ấy, trẻ sẽ rất vui, và cũng sẽ cảm
thấy thật sự yêu cha mẹ. Nếu lúc ấy bạn khen chung chung: “Con giỏi
thế, con đúng là con ngoan của mẹ” thì trẻ sẽ cảm thấy rất bình thường.
Vì thế, khen con cần đúng mực, cụ thể, không khoa trương, không thờ ơ.
☘ HIỂU VÀ TÔN TRỌNG TRẺ
Trẻ không nghe lời, không tiếp nhận ý kiến của người lớn chắc chắn
là có lý do. Nhưng cha mẹ lại chưa bao giờ đứng trên góc độ của trẻ để
suy nghĩ, luôn cho rằng mình làm gì cũng đúng. Có bà mẹ đưa đứa con
bốn tuổi đi mua sắm, mẹ rất vui nhưng con thì cứ khóc đòi về nhà. Mẹ
cúi xuống lau nước mắt cho con mới phát hiện ra, thì ra con không nhìn
được hàng hóa trong tủ cửa hàng, mà chỉ thấy toàn chân người bước qua
lại.