và con cái không tin tưởng nhau, khó nói chuyện, thậm chí còn khiến
trẻ bị gặp trở ngại tâm lý.
Gần đây, cô giáo nhận ra Trung có những biểu hiện khác lạ. Trước đây em rất
hoạt bát, tích cực phát biểu nhưng giờ lại ít nói, thường ngồi một mình, không
chơi với bạn, kết quả học tập cũng giảm sút. Sau khi tìm hiểu, cô giáo mới
biết nguyên nhân Trung không thích nói chuyện với ai.
Trước đây, mỗi khi đi học về là Trung lại kể chuyện ở trường cho bố mẹ.
Nhưng bố em lại có yêu cầu rất cao với con, bố đặt hết hy vọng vào em,
mong em thi đỗ đại học và thành tài; vì thế đã theo dõi việc học của em rất
sát sao. Bố nghĩ em kể những việc chơi đùa, nghịch ngợm hàng ngày chẳng
có tác dụng gì, chỉ lãng phí thời gian. Mỗi lần Trung kể chuyện thì bố thường
ngắt lời: “Cả ngày chỉ biết những việc vớ vẩn, con phải chú tâm vào học hành
chứ, lên gác làm bài tập đi!”. Một hôm, Trung đang vui vẻ kể chuyện, bố lại
gắt: “Nói bao nhiêu lần rồi, không được kể những chuyện vớ vẩn đó nữa, nếu
không nhớ bố sẽ đánh!”. Trung sợ đến mức không dám nói lời nào nữa, vội
vàng về phòng.
Khi ở nhà, bố cũng không cho em ra ngoài chơi, ngày nào tan học về em
cũng chỉ được ngồi trong phòng, lâu dần tính cách của em cũng thay đổi -
em trở nên ít nói hơn.
Có thể thấy rằng, nếu cha mẹ không chú ý đến việc giao lưu với trẻ,
không lắng nghe trẻ nói, lâu dần sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Với
một đứa trẻ đã có khả năng tự đưa ra quyết định thì bắt chúng ngoan
ngoãn “nghe lời” là việc rất khó. Thật ra, lắng nghe và trả lời câu hỏi của
trẻ rất có ích cho việc tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái,
khiến trẻ thêm tự tin và có cảm giác an toàn.
❋ LỚP HỌC LÀM CHA MẸ ❋
Như chúng ta đã biết, sự giao lưu giữa cha mẹ và con cái có ảnh
hưởng rất lớn đến mối quan hệ và sự phát triển tính cách của trẻ. Vì thế,
nếu cha mẹ nhẫn nại lắng nghe, không nóng vội ngắt lời thì khi gặp khó
khăn, trẻ sẽ muốn kể chuyện cho cha mẹ, từ đó xây dựng mối quan hệ
tốt đẹp với cha mẹ hơn.
Vậy khi con muốn tâm sự, cha mẹ nên làm thế nào? Hãy tham khảo
một vài cách dưới đây.