“Trong tình huống này, tôi không quá quan tâm đến Theo”, tôi nói. “Điều tôi quan tâm
đó là một cách thật tệ để cô bắt đầu một ngày mới. Nó khiến cô khó chịu.” Hoàn toàn
không giống cách cư xử của chủ nhà, Nancy đang xử sự giống như Dobby – chú gia tinh
trong loạt truyện Harry Potter. Cô phàn nàn, bĩu môi, cô thường xuyên tức giận nhưng lại
không khẳng định được quyền lực của mình bằng cách đặt ra một vài giới hạn rõ ràng về
những trách nhiệm vào buổi sáng của con trai hay cách đối xử của cậu bé với cô nói chung.
Theo cảm nhận của tôi ‘cô đang tự nghi ngờ về bản thân và cậu bé tận dụng điều đó. “Cậu bé
là kẻ thất bại thỏa mãn”, tôi nói với Nancy, “còn cô là ‘người thỏa mãn thất bại’.
Đúng vậy, có con ở tuổi mới lớn, bạn sẽ phải tha thứ cho những hành vi mà bạn không
thể chấp nhận ở bất cứ thời điểm nào tại bất cứ lĩnh vực nào khác trong cuộc đời mình. Tôi
từng yêu cầu các bạn hãy đối mặt với sự hỗn láo của con mình bằng sự bình thản. Nhưng
mọi thứ cũng có giới hạn của nó. Ngôi nhà của bạn không nên trở thành nơi hàng ngày
chúng phơi bày mọi thói xấu và xúc phạm cha mẹ được. Tôi thường nói với các bậc cha mẹ
kiệt sức vì bọn trẻ không ngừng chỉ trích họ rằng: “Bạn làm việc vất vả, bạn thanh toán các
hóa đơn, bạn lái xe đưa bọn trẻ đi tham gia các hoạt động, bạn lên lịch các cuộc hẹn với bác
sỹ của chúng, bạn đến cửa hàng tạp hóa, bạn cho chúng những lời khuyên sâu sắc và bạn
nhận được rất ít lòng cảm kích vì tất cả những thứ đó. Vì tất cả những công việc mà bạn
phải làm, điều quan trọng phải giữ cho ngôi nhà của mình là nơi tương đối bình yên, nơi
bạn có thể thư giãn và trú ẩn sau mọi công việc của cả một ngày dài.”
Tôi thường nói với các bậc cha mẹ thất vọng vì sự hỗn láo dai dẳng của bọn trẻ về khái
niệmshalom bayit – sự bình yên trong gia đình của Do Thái giáo. Do Thái giáo dạy chúng
ta rằng giữ được sự bình yên trong gia đình là trách nhiệm còn tận hưởng sự bình yên đó là
quyền lợi của bạn. Đó là vấn đề về cả sự thoải mái lẫn lòng tự trọng của bạn. Một ngôi nhà
mà bọn trẻ thường xuyên đóng sập cửa phòng chúng, phá hỏng sự bình yên trong nhà, hay
trả lời trước lời mời xuống ăn tối cùng với gia đình bằng cách nói rằng “Con đã bảo là để
con yên” không phải là một nơi trú ẩn an toàn.
Danh sách các hành vi hỗn láo không được chấp nhận sẽ giúp bạn xác định đâu là khi
con bạn đang trải qua sự hỗn láo bình thường trong sự phát triển của thời kỳ mới lớn hay
đâu là khi nó đang thiếu nhạy cảm và thiếu tôn trọng đến mức khiến gia đình không thể có
được sự bình yên. Nếu chúng vẫn tiếp tục vi phạm các mục trong danh sách Quá Hỗn láo
thì bạn sẽ có việc phải làm đấy.
Hãy sử dụng danh sách của bạn để tạo ra những tiêu chuẩn về sự tôn trọng trong gia
đình và đặt ra những quy định cơ bản cụ thể. Một hoặc hai quy định là những thứ bạn kỳ
vọng bọn trẻ sẽ thực hiện mọi lúc mọi nơi, vậy nên hãy suy nghĩ về những thứ khiến bạn
phiền lòng nhất. Bản thân hành động đó có phải sự hỗn láo hay không? Hay đó là một tình
huống có thể đoán trước là sẽ khiến tất cả mọi người tức giận và thất vọng, như việc Theo
không chịu dậy đi học đúng giờ chẳng hạn? Bạn hãy luôn nhớ rằng bọn trẻ mới lớn có
quyền có những cảm xúc tiêu cực mạnh, vậy nên hãy tập trung vào hành vi nhiều hơn là
thái độ của chúng: