Trước hết, hãy đảm bảo rằng bạn có thái độ tôn trọng đúng đắn với việc nhà. Bạn có
muốn con bạn treo tất cả quần áo của nó thật gọn gàng ngăn nắp trong khi bạn lại cảm thấy
việc bạn hay chồng mình vứt những chiếc tất bẩn xuống sàn nhà là vô cùng hợp lý không?
Nếu vậy, bạn đang tạo ra một tiêu chuẩn kép. Bạn có để người giúp việc làm tất cả các công
việc lau dọn vì bạn phải làm việc quá vất vả không? Nếu vậy, bạn đang dạy con bạn bài học
rằng những người bận rộn thì không phải tự mình làm công việc lau dọn. Bạn cần mẫn làm
việc nhà nhưng lại luôn miệng phàn nàn không? Hay bạn vừa tức giận vừa hút bụi dưới
chân con mình khi nó đang xem chương trình truyền hình yêu thích của nó? Bạn đang dạy
con mình rằng việc nhà là một công việc buồn chán trong cuộc đời, chứ không phải một
cách thực tế để cải thiện cuộc sống. Hãy thay đổi thái độ của mình và có thể bạn sẽ thấy thái
độ của bọn trẻ sẽ thay đổi theo.
Nếu việc bạn thay đổi thái độ cũng không giải quyết được vấn đề, hãy thẳng thắn nói
chuyện với bọn trẻ về điều đó. Hãy thử nói những câu như: “Hệ thống việc nhà của chúng ta
không hiệu quả. Mẹ lúc nào cũng phải thúc giục con và con thì luôn cáu bẳn.” Hay “Khi về
nhà vào buổi tối, mẹ không thể chắc chắn rằng con đã cho bọn chó ăn. Việc con chỉ thỉnh
thoảng mới cho chúng ăn còn gần như tệ hơn cả việc hoàn toàn không cho chúng ăn. Mẹ
không muốn phải lo lắng về vấn đề này thêm một chút nào nữa.” Hãy cùng suy nghĩ và đi
đến các cách tiếp cận khác và thỏa thuận cùng tiếp tục cố gắng.
Một cách tiếp cận khác nữa là suy nghĩ lại về những việc nhà bạn giao cho bọn trẻ. Hãy
xem lại danh sách các việc vặt trong nhà và đánh giá lại chúng. Nếu ban đầu con bạn xung
phong xếp máy rửa bát nhưng cậu bé quá vụng về và đãng trí nên không thể làm tốt công
việc đó, hãy gợi ý xem cậu bé có thích rửa xe của bạn thay cho việc xếp máy rửa bát không.
Một trong những định nghĩa về bệnh tâm thần là cứ làm đi làm lại một việc và hy vọng vào
một kết quả khác. Nếu chúng ta cứ đòi hỏi chúng một cách quá cứng nhắc, nếu chúng ta
quá quan trọng hóa nhu cầu để một đứa trẻ mới lớn làm một việc nhà cụ thể, chúng ta đang
bỏ lỡ điều quan trọng nhất của những công việc thường ngày. Chúng ta đang không cho
bọn trẻ cơ hội để làm những công việc nhà thiêng liêng này với sự tự hào và tự tin.
Xác định lại các đặc quyền
Tuy nhiên, khi bọn trẻ thường xuyên không tuân theo các quy định về việc nhà, bạn cần
phải cho chúng thấy hậu quả. Hãy nhớ nguyên tắc rằng bạn chỉ cần cho chúng mặc đồ phù
hợp, học ở trường tốt, có nơi ở và ăn những đồ ăn bổ dưỡng. Tất cả những thứ khác đều là
đặc quyền mà bạn có thể không cho bọn trẻ hưởng nữa khi chúng vi phạm các quy tắc
trong gia đình.
Khi bạn đưa ra các hậu quả, chắc chắn bọn trẻ sẽ kháng cự lại dưới hình thức những lời
bào chữa:
Con đang định đi rửa bát nhưng con muốn ngâm mấy thứ bị cháy vào chảo nước một
lát.