trưởng của cái này, là ngôi sao của thứ kia. Mỗi phút giây trôi qua chúng cảm thấy như thể
toàn bộ tương lai của chúng luôn bị đe dọa, trong khi tất nhiên là không phải thế.
Một việc làm mang đến những trách nhiệm của cuộc sống thực tế. Một đứa trẻ mới lớn
đi từ trách nhiệm danh nghĩa “đạt điểm A môn lượng giác học” thành “Cậu phải chịu trách
nhiệm về sự an toàn của những người đến bơi ở công viên nước của chúng ta”, hay “Cậu
phải chịu trách nhiệm về ba đứa trẻ này một buổi tối”, hay “Cậu phải đảm bảo rằng ngăn
tiền mặt sẽ đầy vào cuối ca của cậu”. Nếu bọn trẻ được tin cậy thì thậm chí tinh thần trách
nhiệm của chúng còn cao hơn. Khoảnh khắc một đứa trẻ mới lớn được tin tưởng với những
trách nhiệm “quan trọng” – như được giao chìa khóa cửa hàng trang sức hay quán bánh
quy cây hay được phép mở cửa hàng vào buổi sáng – là khoảnh khắc chúng có được sự tự
hào về bản thân mình.
Khi những kỹ năng của bọn trẻ không dễ dàng phù hợp với những thể loại thành tích
được xã hội công nhận – việc học ở trường, các môn thể thao, âm nhạc, kịch, chế độ sinh
viên tự quản lý – thì công việc có thể là một con đường thay thế để có được sự tự tin. Tôi
nhớ đến Natalie – một cô bé tôi từng gặp khi cô bé được 15 tuổi và đang đi trên một con
đường chông gai. Cô bé có rất ít bạn vì bản chất khó gần, cô bé cãi nhau với bố mẹ và
thường xuyên phải ngồi ghế dự bị trong đội bóng rổ vì không có tinh thần thể thao. Cô bé
tìm được một nơi trú ẩn khi bắt đầu làm việc cho một nhóm cứu hộ động vật mà cô tìm
thấy trên mạng – công việc của cô là tìm những gia đình nhận nuôi phù hợp cho các chú
chó. Với vị trí lãnh đạo này, Natalie lại trưởng thành hơn tuổi của mình. Tại nơi làm việc,
những đứa trẻ như Natalie – được giải thoát vì người thuê cô bé làm việc không mấy quan
tâm đến số điểm SAT – có thể khám phá ra những khả năng rất đáng ngạc nhiên: sắp xếp,
bán hàng, quản lý, giải quyết vấn đề và luôn chủ động. Thật trùng hợp là đó là những kỹ
năng được các nhà quản lý trong tương lai – những người có thể thuê nhân viên dựa vào
bằng tốt nghiệp nhưng cũng có thể dựa vào những kỹ năng thực tế – đánh giá rất cao.
Công việc thường ngày là một món quà
Khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng ta phải làm rất nhiều thứ cho chúng. Dù bạn có mệt mỏi đến
đâu, dù bạn có phải thay ga trải giường bao nhiêu lần trong một đêm đi chăng nữa, dù đứa
trẻ có đau bụng đến đâu đi chăng nữa, bạn vẫn phải sẵn sàng làm nhiệm vụ của mình và
chăm sóc chúng thật tốt. Sau bao nhiêu năm luyện tập, thói quen bảo vệ, sắp xếp, vá víu và
sửa chữa đã trở thành phản xạ. Bạn rất khó nhận ra khi nào và làm cách nào để dừng lại
hoặc chậm lại. Nhưng nếu bạn không đảo ngược một vài trong số những thôi thúc đó khi
con bạn lớn lên, nếu bạn bảo vệ con mình khỏi việc học những kỹ năng cơ bản của cuộc
sống, chúng sẽ không có cơ hội trở thành người tự lập. Bảo vệ con mình thái quá theo cách
này cũng giống như vẫn mớm cho một con chim đã đủ lông đủ cánh ăn, nó sẽ vẫn được
nuôi dưỡng tốt nhưng không thể tự tìm thức ăn cho mình. Nhưng nếu bạn dạy con mình
rằng công việc thường ngày là một món quà, bạn sẽ khuyến khích những kỹ năng giúp
chúng phát triển tiềm năng thiêng liêng trong chúng – trước tiên là một đứa con, một học
sinh và cuối cùng là một người cha, người mẹ và một thành viên đóng góp cho cả cộng
đồng.