Mục đích của cuốn sách này không phải là đi vào chi tiết các khái niệm hay phương pháp giải quyết
các vấn đề cho trẻ bị tổn thương não. Cuốn sách Làm gì khi con bạn bị tổn thương não? đã trình bày
những vấn đề này. Tuy nhiên, giờ đây cũng có nhiều người nhận ra rằng trẻ em hoàn toàn có thể làm tốt
hơn những gì chúng đang thể hiện. Có thể nói rằng những kĩ thuật cực kì đơn giản đã giúp tái tạo sự
phát triển bình thường ở những trẻ bị tổn thương não.
Chúng ta cũng sớm nhận thấy những trẻ bị tổn thương não cũng có thể thể hiện không kém gì so với
những trẻ bình thường.
Vì những kĩ thuật này còn có thể cải thiện nhiều thứ hơn nữa nên chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những
trẻ bị tổn thương não không chỉ thể hiện được tốt như những trẻ bình thường mà còn khiến người ngoài
khó có thể phân biệt được.
Do đã có những kiến thức cơ bản về phẫu thuật thần kinh nên chúng tôi bắt đầu nghiên cứu cả những
trẻ bị tổn thương não mà có thể thể hiện trên mức trung bình hay thậm chí ở mức xuất sắc.
Điều này cực kì thú vị, thậm chí còn hơi sợ. Có vẻ như chúng ta đã đánh giá thấp khả năng của trẻ.
Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị. Hãy giả sử chúng ta đang quan sát ba đứa trẻ 7 tuổi: Albert, chỉ
còn một nửa bán cầu não; Billy, não hoàn toàn bình thường; và Charley: đã được điều trị bằng phương
pháp không phẫu thuật, hiện giờ có thể hoạt động bình thường dù đã có hàng triệu tế bào não bị chết.
Hai cậu bé Albert, với nửa bán cầu não và Charley, có hàng triệu tế nào não bị chết đều thông minh
như Billy.
Vậy có điều gì không ổn với cậu bé hoàn toàn bình thường như Billy?
Có gì không ổn với những đứa trẻ khỏe mạnh?
Trong nhiều năm nghiên cứu, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy rung động trước những sự kiện hay
khám phá quan trọng. Chúng tôi đã dần xua tan những đám mây mù bí ẩn bao quanh các trẻ em bị tổn
thương não. Chúng tôi cũng tìm ra những sự thật mọi người chưa bao giờ nghĩ tới về những đứa trẻ
khỏe mạnh. Một sự kết nối đầy logic đã hiện hữu giữa những trẻ bị tổn thương não (thần kinh bị mất tổ
chức) và những trẻ khỏe mạnh (thần kinh có tổ chức), mà trước đây vốn chỉ là sự đứt đoạn, không có
liên kết ở những trẻ khỏe mạnh. Chuỗi logic này đã vạch ra con đường để chúng ta có thể đem lại sự
thay đổi tốt đẹp hơn cho loài người. Liệu tổ chức thần kinh của một trẻ bình thường có phải là điểm
cuối của con đường này?
Giờ đây những trẻ bị tổn thương não có thể thể hiện ngang bằng, thậm chí tốt hơn những trẻ khỏe
mạnh, nên nhiều khả năng con đường này sẽ còn được kéo dài hơn nữa?
Người ta vẫn thường cho rằng sự phát triển thần kinh và sản phẩm cuối cùng của nó – khả năng – là
một sự thật không thể thay đổi: Đứa bé này có khả năng còn đứa bé kia thì không. Đứa trẻ này thông
minh còn đứa kia thì không.
Và không có gì hơn ngoài sự thật ấy.
Sự thật là, sự phát triển thần kinh, thứ vốn được coi là bất biến lại là một quá trình động và có
thể thay đổi.
Với những trẻ bị tổn thương não nặng, chúng ta thấy quá trình phát triển thần kinh hoàn toàn bị dừng
lại.