Những trao đổi qua lại giữa cha mẹ và con cái còn giúp trẻ tự
nhiên phát huy những kỹ năng trí tuệ. Trong những cuộc trò
chuyện, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ thoải mái kể lại những điều
xảy ra trong ngày, giúp trẻ xâu chuỗi các sự việc và nắm bắt ý
nghĩa của những điều đã xảy ra. Đó là một trò chơi thú vị và rất có
ích khi trẻ tới tuổi đến trường. Việc mô tả lại “những gì đã xảy ra”
còn giúp trẻ luyện trí nhớ và kỹ năng dựng lại “kịch bản” cho
những sự kiện đã xảy ra. Điều này giúp trẻ hiểu và diễn đạt được
những gì đã trải nghiệm, hay nói cách khác, trẻ sẽ suy nghĩ và học
hỏi để từ đó gia tăng vốn từ một cách tự nhiên, vui vẻ.
Một nghiên cứu của tác giả Kathy Hirsh-Pasek cho thấy, đến thời
điểm trẻ vào tiểu học thì hầu như không phân biệt được mức độ
thông minh giữa nhóm trẻ từng học các lớp chuyên, lớp năng
khiếu với nhóm trẻ đi học mẫu giáo thông thường. Song, vẫn có
một điểm khác biệt giữa hai nhóm trẻ này: những trẻ trong nhóm
1 thường lo lắng, kém sáng tạo hơn trẻ nhóm 2.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tham gia các lớp học
mầm non chú trọng cách dạy “cầm tay chỉ việc” với những kiến
thức “uyên bác” sẽ khiến trẻ dễ bị căng thẳng hơn. Vì sao? Có thể
do trẻ cứ phải giả vờ như đang chơi đùa vô tư. Có thể do trẻ bị áp
lực phải ghi nhớ các sự kiện ngẫu nhiên. Dẫu thế nào thì trẻ vẫn là
những nạn nhân tội nghiệp của gánh nặng học tập từ trước khi
chúng sẵn sàng tiếp nhận giáo dục.
Với quyển sách này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp những bậc phụ
huynh thoát khỏi căn bệnh thành tích. Mục tiêu của chúng tôi là
mang lại cho các bậc phụ huynh, thầy cô và những nhà làm chính
sách giáo dục một cái nhìn bao quát và những khái niệm cần thiết
để có cách làm hiệu quả nhất trong việc giáo dục con em mình.
Đây cũng là nỗ lực chống lại làn sóng bệnh thành tích và thói
quen thúc ép con trẻ học hành.
Một khi đã am hiểu sự phát triển trí tuệ của trẻ, người lớn sẽ có
thể song hành một cách đồng điệu với cách thức học hỏi và tiềm
năng phát triển tự nhiên của trẻ, từ đó tìm được những thời điểm
thích hợp để giúp trẻ tích lũy những kiến thức thật sự chứ không
chỉ là những sự kiện rời rạc phải cố nhét vào đầu.
20