chốt là khả năng xử lý những biểu tượng. Và trò chơi giả định tạo
điều kiện cho trẻ thực hành cách vận dụng các biểu tượng này; từ
đó, giúp trẻ thực hành tư duy ngôn ngữ.
Trong số các loài động vật có vú, chỉ có loài người mới chơi trò giả
định từ thuở ấu thơ. Trò này đòi hỏi bạn phải biết tách mình khỏi
thế giới thực tại và hành động trong thế giới mới y như thật. Đó
chính là một phần tạo nên con người chúng ta, đóng vai trò nền
tảng cho những suy nghĩ mang tính hình tượng khác ngoài ngôn
ngữ như toán học, vật lý, văn chương, kinh tế, mỹ thuật. Khi bước
vào thế giới của trò chơi giả định này, trẻ sẽ trở thành ông vua, bà
hoàng trong chính thế giới do trẻ tự tạo ra và làm chủ nó. Thay vì
dựa vào những vật thể có thật như thực trạng hiện tại, giờ đây trẻ
có trong tay quyền năng biến đổi chúng và bắt chúng phải phục
vụ cho mục đích của mình. Đây chính là hình thức cao nhất của
lối tư duy sáng tạo, và trò chơi giả định chỉ là một dạng thực hành
mà trẻ cần đến để tự phát triển trí tuệ của mình.
Một biểu hiện khác cho thấy tác dụng của trò chơi giả định này
đến sự phát triển chính là cách bé chọn đồ vật “đóng thế”. Càng
lớn, bé David càng chọn những đồ vật trông ít giống với món đồ
mà chúng “đóng thế” hơn. Ví dụ, ban đầu khi khoảng 18 tháng
tuổi, nếu muốn chọn thứ gì đó để thay cho chiếc điện thoại, bé sẽ
chọn thứ có chức năng không rõ ràng (như một khối hình chữ
nhật) chứ không bao giờ chọn một món đồ chơi có chức năng rõ
ràng (ví dụ như chiếc ôtô). Bởi như thế sẽ đơn giản hơn cho bé khi
phải đối chiếu với một món đồ có chức năng hiển hiện quá rõ. Một
lý do khác là vì trong cùng một thời điểm, trẻ nhỏ chỉ có thể nghĩ
được một chiều của sự việc.
Khi gần được 3 tuổi, bé David có thể xem bình sữa là cái lược, cái
ôtô nhựa là điện thoại, búp bê là quyển sách. Lúc đó, bé đã không
còn bị ràng buộc bởi những yếu tố mặc định của các món đồ chơi.
Đó là một bước tiến lớn! Ở cấp độ vui chơi cao hơn trong độ tuổi
mẫu giáo, trẻ thậm chí không cần phải có vật dụng trước mặt để
xác định một vật có thật hay không, một sự việc có diễn ra hay
không. Đó là lúc trẻ thật sự lớn khôn!
219