Hoàng Trọng Miên
ĐỆ NHẤT PHU NHÂN TRẦN LỆ XUÂN
Chương 2.
RỪNG SÁC TỬ LỘ
Chiến cuộc tiếp diễn ở phía Đông bắc Sài Gòn, dọc từ sông Sài Gòn đến
Vũng Tàu. Bảy Viễn cùng các thủ hạ thân tín chỉ huy cuộc cầm cự, kiểm lại
số tàn quân chỉ còn lối một nghìn năm trăm người, với những vũ khí nhẹ,
và một tinh thần hoang mang cực độ.
Hôm qua chạy đến núi Thị Vải, tinh sương sáng nay băng sình, đạp bần đi
sâu vào. Rừng Sác, thủ lãnh Bình Xuyên như một ác thú bị săn đuổi, thấy
nhiều bộ hạ biến mất trên đường bại tẩu, không giấu được vẻ lo âu, e ngại
sự phản trắc chung quanh, có thể sát hại hay bắt mình nạp cho đối phương
để lãnh thưởng. Vẻ mặt lầm lỳ của tay anh chị trùm sòng bạc và nhà chứa
nhuộm đầy sát khí miệng không ngớt chửi thề, khẩu súng ru-lô mạ kền đeo
một bên lưng (tặng vật của Quốc trưởng khi Bảy Viễn được Pháp phong
chức thiếu tướng), sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai nói đến tiếng về đầu họ
Ngô. Bảy Viễn đã hạ ngay Sáu Tình ở bìa Rừng Sác, vì đàn em nhớ vợ con
ở lại Sài Gòn đã ngỏ ý muốn quay về. Lãnh tụ Bình Xuyên không tin ở đám
quân sư chính trị, để họ đi tách riêng một phía và chỉ đi cùng Lại Hữu Tài,
cố vấn chính trị Bình Xuyên, đại diện của Phòng Nhì quân đội Pháp và anh
ruột Tài là Tư Sang, nguyên Tổng Giám đốc Công an Sài Gòn - Chợ Lớn.
Một trung đội cảm tử đã thế "sống chết với anh Bảy" theo hộ tống bộ ba
đầu não Bình Xuyên và khiêng vác bốn bao chất đầy giấy bạc cùng hai ba
lô vàng, kim cương và của cải quý giá của Bảy Viễn đã chạy được.
Trong cảnh thất thế, biết mình đã bị quân Pháp bỏ rơi, hàng ngũ tan rã thưa
thớt dần, không có dân chúng ủng hộ, Bảy Viễn cố giữ cho chung quanh
khỏi chán nản rút im, đồng thời cũng tự dối tinh thần bại vong của mình
nữa, gượng gạo kêu gọi em út "đánh tới cùng" cho mình là "cọp đã về rừng,
phe họ Ngô phải chặt hết cây Rừng Sác mới tìm ra thủ lãnh Bình Xuyên".
Ngày 20-9 năm 1955, năm tiểu đoàn bộ binh phối hợp với hai tiểu đoàn
nhảy dù và một sư đoàn thuỷ quân lục chiến mở cuộc tấn công bao vây mấy