Tiếp đó là tướng Nguyễn Văn Hinh bị cắt chức, do thông báo của văn
phòng Quốc trưởng Bảo Đại, rồi tướng Ely ký hiệp ước với tướng Collins
xác nhận việc Pháp từ bỏ vai trò quân sự ở Việt Nam.
Trong khi ấy, đài VOA phát lời tuyên bố của chính phủ Eisenhower nói
rằng nếu Mỹ không hành động cương quyết để ủng hộ Diệm, Mỹ sẽ mất cả
Đông Dương.
Căn cứ vào những việc tôi vừa kể lại đó, theo tin tức của các đài ngoại quốc
BBC, VOA, Úc Đại Lợi, tôi đã nghe được và ghi lại thì Pháp đã nhường
trọn cả miền Nam về tay Mỹ rỗi, nghĩa là Diệm đang giữ ưu thế tuyệt đối.
Những sự thật tuôn ra từ miệng Hồ Hữu Tường như những thùng nước đá
dội thẳng xuống lưng mọi người khiến cả Bộ tham mưu của Bảy Viễn đều
thấy toát mồ hôi lạnh, im lặng nhìn nhau lo sợ.
Một giọng phản đối bỗng vang lên:
- Đ. m, thây kệ tụi nó có công ký với nhau, mình cứ đánh tới cùng. Chết
bỏ!
Nguyễn Đình công tử, quân sư xa lông của Bảy Viễn gượng hỏi:
- Vậy còn Đức Quốc trưởng Bảo Đại?
Hồ Hữu Tường trả lời bình thản đến lạnh lùng:
- Anh, Pháp và Mỹ vừa họp hội nghị ở Ba Lê, đài BBC cho hay bản thông
cáo chung kết luận rằng: Pháp chấp nhận chủ trương của Mỹ, nghĩa là ủng
hộ Diệm vô điều kiện và bỏ rơi Bảo Đại. Ở Sài Gòn, ba ông tướng Việt
trước đây theo Pháp có quốc tịch Pháp đã nghe theo Diệm đánh điện cho
Bảo Đại tuyên bố là chỉ nhìn nhận có Diệm. Rồi sau đó Diệm vừa tổ chức
một Hội đồng Cách mạng truất phế Quốc trưởng Bảo Đại.
Ngoài ra, tướng Ely sang Hoa Thịnh Đốn trở về đến Cannes thông báo cho
Bảo Đại hay ý định của chính phủ Pháp bỏ rơi ngài. Bởi quyền lợi kinh tế ở
miền Nam, Pháp buộc cả Bộ Tư lệnh Pháp tại Sài Gòn phải trao lại quyền
chỉ huy huấn luyện binh sĩ Việt Nam cho Mỹ, bỏ mặc cho phe Diệm đốt bỏ
những phù hiệu quân đội Pháp để thay thế vào những phù hiệu Mỹ, đồng
thời công kích lăng nhục Bộ Tư lệnh Pháp ở Việt Nam, khiến cho tướng
Ely chịu hết nổi phải đòi từ chức.