"Điện Biên Phủ không còn có thể cứu được nữa. Hôm qua đô đốc Radford
đã nói như thế với tôi trước mặt ngoại trưởng Dulles. Các nhà chuyên môn
quân sự Anh cũng không tin là cuộc oanh tạc có hiệu quả vì địa thế chiến
trường trắc trở, mà dội bom xuống hậu cứ Việt Minh lại càng không kết
quả nữa. Chiến dịch Kền Kền mang lại hậu quả đầu tiên là phá cuộc ngưng
chiến ở Đông Dương, và chỉ làm cho chiến tranh lan rộng, Pháp và Mỹ
trong lúc này lại không sẵn sàng để thắng được. Trong những điều kiện đó,
chính sách thiết thực duy nhất là tìm kiếm ngay ở Genève một thoả hiệp
ngừng chiến".
Bữa chiều, Eden đáp máy bay đi Genève.
Hôm sau, đại sứ Pháp Massigli được chỉ thị của Thủ tướng Laniel, vận
động một lần cuối cùng với Thủ tướng Churchill: Mỹ đã sẵn sàng can thiệp
cứu Điện Biên Phủ và chỉ còn đợi Anh đồng ý.
Lão chính khách miệng không rời điếu xì gà ngắt ngang câu chuyện: ông
không muốn biết đến khía cạnh quân sự của vấn đề.
Rồi liền sau đó, Churchill đi thẳng đến Hạ nghị viện đang xôn xao vì những
cuộc vận động tới tấp của các yếu nhân Pháp và Mỹ liền mấy hôm nay:
- Chính phủ hoàng gia không sẵn sàng cam kết bất cứ một điều gì trong vấn
đề hoạt động quân sự ở Đông Dương trước khi biết những kết quả của hội
nghị Genève.
Tại Ba Lê, Ngô Đình Diệm mua ấn bản giờ chót của nhựt báo France Soir,
đọc bức điện tín của phái viên ở Luân Đôn nói về sự từ chối của Anh không