sắc lạnh của kẻ cố vấn chính trị lẫn những mặc cảm ghen tức của một
người chồng đồng loã cho vợ làm nhịp cầu vận động ngoại giao.
Thế rồi, hôm sau, Lệ rời dinh Độc Lập đi Long Hải hẹn hò cùng vị chánh
khách ngoại giao nước bạn.
Bãi biển vắng vẻ chứng kiến cảnh giao du thân mật giữa đệ nhất phu nhân
cùng vị đại diện ngoại giao cường quốc viện trợ, như một đôi lứa đang tuần
trăng mật. Chế độ họ Ngô được củng cố và kéo dài nền thống trị, đã chịu
ảnh hưởng quan trọng của một mối tình ở cấp bậc ngoại giao của bà Cố vấn
chính trị Tổng thống.
Ba hôm liền, Lệ đóng vai cô tình nhân nhỏ bé, dịu dàng nhưng không kém
nồng nàn, cháy bỏng trong tay vị chánh khách tóc ánh màu thép bạc như
một diễn viên điện ảnh, mà trong lúc thỏ thẻ tình tứ Lệ đã bảo:
- Anh giống hệt tài tử chớp bóng mà em rất mến trong phim Les salaires de
la peur, Peter Van Eick.
Lệ đã ghi trong nhật ký của nàng: "Thế là anh chàng Peter đã cắn câu rồi.
Mình có thể nói một cách không khiêm tốn rằng vận mệnh cái xứ bé nhỏ
này, cũng như chế độ của nhà chồng mình, từ đây sẽ do tay mình định đoạt.
Cả một dân tộc đại cường quốc phải góp tiền để dâng cho ta, gởi con em
mang xương máu bảo vệ ngôi báu đệ nhất phu nhân cho ta, vị sứ thần của
nước bạn viện trợ phải quỳ dưới chân ta như trước một nữ hoàng… sao ta
không thể tự kiêu hãnh rằng mình là một gái anh thư, một nữ anh hùng đã
ngự trị trên mảnh giang sơn này?
Để đánh dấu thắng lợi lớn lao này, ta sẽ ra lệnh cho dựng tượng của ta cùng
con gái ta để trường tồn mãi với lịch sử, qua hình ảnh hai vị nữ anh hùng
dân tộc, Hai Bà Trưng, phản ảnh ta và con ta đúng như lời tâu của một đoàn
viên Phụ nữ liên đới: "Không ai xứng đáng hơn bà cố vấn để làm kiểu mẫu
cho tượng Bà Trưng, vì không ai xứng đáng là bậc cân quắc anh thư cho
bằng bà cố vấn".
Ừ sao ta lại từ chối một vinh dự mà ta xứng đáng nhận lãnh hơn ai hết?
Dưới mắt ta, từ vị nguyên thủ là Tổng thống, cố vấn chính trị là chồng ta,
đến vị đại sứ của nước lãnh đạo thế giới tự do, tất cả đều thần phục, còn ai
dám chống lại ý muốn của ta?