những báo chí về hội họa đăng tải hình ảnh cũng như đời sống của nữ nghệ
nhân.
Tới Kyoto, sau nhiều đắn đo, Oki sau cùng cũng đánh bạo gọi điện rủ
Otoko nghe chuông chùa cuối năm với ông. Nàng nhận lời, đặt tiệc tại nhà
hàng gần một tu viện để nghe chuông. Nhưng nàng cũng cho Keiko tham
dự. Otoko lại thuê luôn hai cô ca kỹ để mua vui cho bữa tiệc nghe chuông.
Keiko phụ trách đón ông ở khách sạn và đưa ông tại ga khi ông trở về
Tokyo.
Oki cho rằng cố nhân vẫn chưa quên ông. Tránh gặp ông một mình trong
dịp tái ngộ, chẳng qua là nàng sợ không tự kiềm chế được khi tình xưa trở
lại. Oki không ngờ là tuy không lấy chồng và không có bạn trai, Otoko đã
chấp nhận mối tình đồng tính với cô học trò trẻ có sắc đẹp và cách sống bất
thường.
Hai người đàn bà khác nhau, một đam mê đến chỗ vô kỷ luật, một thùy mị
dịu dàng và cung cách. Họ cũng giống nhau, ở chỗ cùng là họa sĩ, cùng yêu
và bắt được cái đẹp, dù là cảnh mưa xuân trên núi, cảnh trăng rằm phản
chiếu trong bát rượu hay trên mặt hồ, cảnh phong lưu khu trà đình tửu quán
ven sông, cảnh nương chè, cảnh vườn đá...
Sự cố phát xuất từ Keiko, cô học trò trẻ của Otoko. Người con gái này vô
cùng xinh đẹp, đam mê, bướng bỉnh ngang ngược và nặng nết chiếm hữu.
Thấy cuộc sống hạnh phúc với cô giáo bị đe dọa vì Oki trở lại, Keiko quyết
tâm ra tay, và sóng gió vẫn xảy ra.