nuôi bò sữa. Cuối cùng, cho đến ngày về thăm quê và rước tôi đi, chú đã định cư tại Sài Gòn
hoa lệ và hiện đang quản lý ba, bốn xưởng dệt lớn.
Tôi bằng lòng theo chú một phần là muốn đi xa nhưng phần khác, quan trọng hơn, là muốn
trốn tránh ít ra là trong lúc đó cái nơi chốn đã gắn liền với những đau buồn trong quãng đời
niên thiếu của tôi.
Tôi ở Sài Gòn học hành, đỗ đạt rồi ra đi làm, cuộc đời suôn sẻ, không lắm dốc nhiều đèo như
những bạn bè cùng trang lứa.
Cứ mỗi một năm, có khi hai năm, thường là vào những dịp lễ tết, tôi đáp xe đò vượt gần
ngàn cây số về thăm nhà. Những lúc về nhà dù không muốn giáp mặt với kỷ niệm cũ, tôi vẫn
phải ghé thăm ông và thường tôi không bao giờ rảo bước ra sau vườn, càng không dám tha
thẩn bên ven suối xưa, dẫu rằng bây giờ trên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu năm nào chị
Ngà bỏ
rơi đôi dép xanh, đã mọc lên từ lâu một cái trang thờ ngày đêm nghi ngút khói.
Dạo đó, rốt cuộc người làng vẫn không tìm được xác chị Ngà. Sau ba ngày, chị vẫn không nổi
lên. Người thì bảo chị được Hà Bá rước về thủy cung, làm công chúa. Người thì bảo do mưa
động trên nguồn, xác chị bị cuốn phăng ra biển. Nhưng dù có suy diễn và đồn thổi cách nào,
cuối cùng dân làng vẫn họp lại dựng một cái trang thờ bên suối để vong hồn chị được ấm áp
khói nhang mà khỏi làm điều quấy nhiễu. Nghe đồn cái trang thờ đó rất linh thiên, hễ ai
thành tâm là cầu gì được nấy và bây giờ nó đã nổi tiếng ngang với đền Ông Lánh ở làng Hà
Xuyên kế
bên, bốn mùa khói nhang không ngớt.
Tôi không rõ vong hồn chị Ngà có thực sự linh thiêng hay không và nếu linh thiêng, phải
chăng nó linh thiêng đến mức hình bóng chị cứ níu giữ chặt trái tim tôi khiến từ đó đến nay
đã một thời gian dài trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được chị.
Dì Miên năm đó thi đỗ vào Ðại học Huế, theo ngành y khoa, tiếp tục sự nghiệp của ông tôi.
Vài năm sau dì lập gia đình, chồng cũng là bác sĩ,và sống luôn tại Huế. Ông tôi từ sau vụ anh
Ðiền không còn thu nhận học trò, lại rơi vào cảnh neo đơn. Bà Sáu thì bắt đầu lọm khọm,