Nó thích thành phố hơn nông thôn. Và, lẽ ra phải hoạt động ban đêm
giống như đồng loại, nó lại không muốn mất giấc ngủ ban đêm, cũng chẳng
muốn quá bận rộn ban ngày. Nên nó tập trung tấn công con mồi lúc bình
minh hoặc khi hoàng hôn buông xuống.
Muỗi hổ đẻ mắn: cứ sau ba hoặc bốn ngày lại đẻ hơn bảy mươi trứng.
Muỗi hổ cái sống (gần như) rất lâu, mặc dù vòng đời của nó phụ thuộc
vào nhiệt độ môi trường: hai mươi chín ngày ở hai mươi lăm độ, ba mươi
hai ngày ở ba mươi độ.
Không cần phải ngạc nhiên khi biết muỗi hổ có mặt ở khắp nơi. Nó đã
xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh thành nước Pháp. Nhiệt độ Trái đất tăng lên,
không một nơi nào ở châu Âu có thể tránh khỏi nó.
Muỗi hổ ghét chúng ta.
Nó có thể hút máu chó, chuột, dê nhưng nó vẫn thích chúng ta nhất.
Muỗi hổ nguy hiểm.
Ở các vùng nhiệt đới, nó có thể mang và lây truyền khoảng ba chục
chủng virus khác nhau. Ở các nước có khí hậu ôn hòa hơn, hiện tại, nó tạm
bằng lòng với virus Dengue và virus gây sốt chikungunya.
Muỗi hổ thích ngao du.
Nó đến từ châu Á, chắc là từ các rặng tre ở miền Nam Trung Quốc,
Việt Nam, Campuchia. Nhưng ngay từ năm 1979, nó đã sang châu Âu, chính
xác là tới Albania. Một lựa chọn chỉ thêm gây lo ngại. Nó là gián điệp
chăng? Liệu có phải nó lãnh nhiệm vụ bí mật là khơi mào lại chiến tranh
lạnh bằng việc lợi dụng những dấu hiệu đầu tiên của việc Trái đất nóng lên?
Nên nhớ rằng vào thời điểm đó, đất nước nhỏ bé nằm bên bờ Địa Trung Hải
này vẫn tiếp tục tuyên bố theo chủ nghĩa Mao và được lãnh đạo bởi bàn tay
sắt của Enver Hoxha “người cầm lái vĩ đại”.