Rồi con người bắt đầu đi du lịch nhiều hơn. Tiến trình “toàn cầu hóa”
của chúng ta bắt đầu. Và toàn cầu hóa ở loài muỗi cũng tiếp bước không
chậm trễ.
Muỗi Aedes aegypti tiên phong khi vượt Đại Tây Dương, hẳn là đi
cùng người da đen trên những tàu buôn nô lệ.
Xin nhắc lại là muỗi sống không lâu, chỉ dưới một tháng. Mà vượt đại
dương thì lại mất nhiều tuần. Vậy làm sao chúng sống sót được qua những
chuyến di cư dài đến thế?
Có hai cách giải thích.
Cách thứ nhất ta đã biết, khả năng bảo vệ của vỏ trứng muỗi, khi vào
môi trường khô, trứng muỗi với lớp vỏ dai, dày và giữ ẩm có thể tồn tại
được cả năm và nở ngay khi tiếp xúc với môi trường ẩm.
Cách thứ hai cũng có thể chấp nhận được. Trên các chuyến tàu đó, bọn
muỗi lúc nào cũng có thể tìm thấy cái ăn. Và muỗi cái lúc nào cũng có trong
tầm vòi chích những bữa ăn thịnh soạn từ các thủy thủ để nuôi trứng phát
triển. Và đám trứng sẽ tìm thấy trong những bồn chứa nước trên tàu một địa
điểm lý tưởng để nở thành ấu trùng. Vậy là cả một chu kỳ sinh trưởng vẫn
được đảm bảo dù cho chuyến đi có kéo dài thế nào.
Xin lưu ý rằng những con ký sinh trùng mà muỗi mang trên mình cũng
đi cùng nó một cách vô thức. Ký sinh trùng không chỉ lợi dụng vật chủ làm
nơi ăn chốn ở mà còn là khách đi tàu trốn vé trên thân xác vật chủ.
Khi cập bến tới các đồn điền trồng bông ở Bắc Mỹ, hoặc đồn điền mía
vùng Caribe hay ở Brazil, muỗi Aedes aegypti tự thích nghi với các môi
trường khác nhau. Còn muỗi Aedes albopictus mãi về sau này mới rời khỏi
châu Á, nơi chúng sinh ra, vào khoảng năm 1980, khi một lô lốp xe cũ được
tìm thấy ở một nơi nào đó thuộc miền Nam nước Mỹ, bang Texas hoặc
New-Mexico.
Tại sao bạn lại không muốn muỗi Aedes albopictus quay lại châu Á
một ngày nào đó?