vướng một mối quan hệ mật thiết với alphavirus Zingilamô, hay flavivirus
Bouboui, hay các bunyavirus Buttonwillow, Olifantsvlei, Dabakala, cũng
không phải với nairovirus Soldadô hay Thiafora… Đấy là tôi còn chưa kể
với các bạn về các rhabdovirus. Và tôi sẽ tha không nhắc tới các chủng
orthomyxovirus, arena virus, poxvirus…
Ở làng này, người ta cũng quan tâm tới vi khuẩn, cơ chế miễn dịch, các
chủng cúm nguy hiểm nhất, việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em, sự xuất hiện của
một dịch bệnh mới… ở đây, người ta huy động mọi lực lượng để ngăn chặn
dịch Ebola khủng khiếp hoành hành ở Guinée (2014/2016), dịch sốt xuất
huyết Dengue ở Cap-Vert (2015/2016), dịch sốt vàng da ở Cộng hòa Dân
chủ Congo và ở Angola (2015/2016), dịch sốt thung lũng Rift ở Niger
(2016), dịch sốt Zika ở Mexico và Brazil (2015/2016).
Ở đây, người ta phát minh ra các bộ test nhanh tại chỗ cho kết quả chưa
đầy mười lăm phút. Đây là một trong ba nơi duy nhất trên thế giới bào chế
thành công vắc xin ngừa sốt vàng da.
Tôi đã nói với các bạn rồi mà: một ngôi làng rất chăm chỉ!
Virus sốt vàng da, một căn bệnh vẫn luôn đáng gờm (vẫn có tới hai
mươi bảy nghìn ca tử vong được ghi nhận năm ngoái), đã được phân lập vào
năm 1927. Vắc xin đầu tiên được phát triển thành công mười năm sau đó.
Tất nhiên, vắc xin này cho phép đẩy lùi dịch bệnh, nhưng do một số biến
chứng thần kinh đã được ghi nhận, nên các nhà khoa học đã ngừng phát
triển các chủng virus trên não chuột nhắt. Một vắc xin khác cũng được công
nhận năm 1983. Từ đó đến nay, vắc xin này vẫn công hiệu, không gây biến
chứng và tác dụng phụ.
Bên phía kia vách kính, ba bóng người mặc quần áo màu xanh đang
miệt mài quanh những khay trứng. Vì người ta dùng trứng gà nuôi các
chủng virus để bào chế vắc xin. Nhưng không phải trứng thường. Phải đảm
bảo rằng, trong suốt thời gian tồn tại, các quả trứng này không hề tiếp xúc
với bất kỳ vi sinh vật nào. Do đó gà phải được nuôi trong những điều kiện