thành nhà văn và vào làm tại sở Y tế Ấn Độ Indian Medical Service. Ông
cũng say mê căn bệnh sốt rét. Ông cũng bắt đầu quan tâm đến thuyết chướng
khí: liệu có phải phần đông người mắc bệnh đều sống ở những khu vực gần
đầm lầy nước đọng? Nhưng ông cũng tìm hiểu các phát hiện của Laveran.
Có vẻ khó phản bác được vai trò của ký sinh trùng. Ông dành toàn bộ sức
lực để nghiên cứu vòng đời và con đường chúng lây truyền từ vật chủ này
sang vật chủ khác.
Năm 1894, trong một lần sang London, ông đã gặp Manson. Hai người
cách nhau ba mươi lăm tuổi. Một người đã lớn tuổi, nổi tiếng, được coi là
bậc thầy về bệnh nhiệt đới. Còn người kia thì vô danh, hăng hái, khao khát
vinh quang.
Vốn tính hào phóng, người anh lớn che chở người trẻ hơn dưới đôi
cánh của mình, chia sẻ hết những gì mình biết về loài giun chỉ, vi sinh vật
đơn bào và những loài ký sinh trùng khác.
Khi về Ấn Độ, Ross không ngừng viết cho Manson, Manson nhẫn nại
trả lời và không ngừng cho lời khuyên, và động viên Ross những khi ông
(thường xuyên) rơi vào trầm cảm. Những trao đổi thư từ dày đặc - và thân
thiết - giữa họ là điều chưa từng có trong lịch sử khoa học.
Ross tập trung vào giải phẫu muỗi. Ông cho rằng chính qua giải phẫu
muỗi mà mình có thể hiểu được sự phát triển của ký sinh trùng, chứ không
phải từ cơ thể người bệnh. Nhưng phải bắt được những con muỗi chuẩn
(muỗi thì có vô số loài nhưng những loài có thể chứa vi sinh vật đơn bào lại
hiếm)!
Năm 1897 bắt đầu không thuận lợi cho Ross. Đến lượt ông bị mắc sốt
rét. Chưa khỏi hẳn thì ông lại mắc tả.
Nhưng ngày 20 tháng Tám, sự cứng đầu của ông cuối cùng cũng đã
được đền đáp. Ngày này đã trở thành “The Mosquito Day”, Ngày của Muỗi.
Hôm đó, Ross chỉ còn có hai con muỗi. Trên bề mặt dạ dày của chúng,
ông phát hiện thấy những hạt tròn nhỏ gần như hoàn hảo, một hình dạng rất
bất thường nếu đó là tế bào.