Các vị trợ giáo và các chàng sinh viên nghiêng mình trước ống kính hiển
vi nghiên cứu, còn giáo sư thì đứng bên máy nói thông báo cho các bác sĩ
quen biết về cái thành tựu trời cho ấy bằng một giọng thật là cảm kích như
báo một niềm hoan lạc.
— Bạn thân mến ơi… một tin chấn động… không phải mấy khi bạn có
thể tận mắt mình nhìn thẳng… Phải rồi.. Có nghĩa là ngay chính bạn cũng
chưa bao giờ được xem… Đó là một thể vi trùng rất hiếm. Tôi cho rằng ở
Thổ chỉ có một số bác sĩ nhìn thấy nó thôi. Giờ đây tôi quả là xúc động thật,
bạn hiểu không, nếu bạn có trí tò mò nghề nghiệp thì…
Ngài treo ống nói và bảo mọi người xung quanh:
— Đó các bạn thấy không, ông bạn tôi cũng chưa bao giờ được biết
đến… Toàn là các bác sĩ nổi danh mà cũng không ai biết thứ vi trùng đó là
gì.
Ngài lại liên tục gọi máy nói đi những đâu những đâu, nào là các hội y
học, nào là các hội bác sĩ, đâu đâu ngài cũng tuyên bố “Vi trùng này trong
môi trường không khí sẽ bị chết ngay. Phải, nó không thể… Vì vậy bệnh
mới không lây được. Nếu không thì hóa ra người ta mù cả hay sao. Xin các
ngài lưu ý rằng nó rất hiếm”.
Ngài giữ gìn con vi trùng ấy như một bảo vật, như một kỳ quan vĩ đại và
làm hết sức mình để duy trì sức sống cho nó. Lo lắng quá ngài quên cả ăn
trưa. Các trợ giáo cũng làm việc quên nghỉ. Ngài sai hai người nhuộm màu
vi trùng và phóng to ra cả ngàn lần. Hai người nữa cùng với sinh viên chuẩn
bị môi trường thức ăn cho chú vi trùng quý hiếm đó để có thể tiến hành thí
nghiệm trong các môi trường axit, môi trường kiềm, trong cả nước canh thịt
ở các nhiệt độ khác nhau nữa.
Ngày hôm đó ở khoa mắt, ngoài con vi trùng ấy ra, người ta không còn
làm một việc gì khác. Các y tá, hộ lý, thậm chí cả mấy bà lao công cũng bận
rộn tối tăm mày mặt. Từ ngày bệnh viện ra đời đến nay chưa bao giờ người
ta lo âu, tất bật đến vậy. Bác sĩ các khoa khác nghe tiếng có vi trùng quý
hiếm cũng chạy sang khoa mắt để được vào căn phòng có quý vật đó. Bác sĩ
các bệnh viện khác cùng sang xem.
Không có ai được về nhà trước lúc đêm khuya. Hôm sau mọi người lại