Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Thấy nhàn luống tưởng thư phong
Trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm, đoạn diễn tả
tình cảm của người chinh phụ trông tin chồng, có câu:
Trải mấy thu, tin đi, tin lại,
Tới xuân này, tin hãy vắng không.
Thấy nhàn, luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng.
"Thấy nhàn" là thấy chim nhạn. Theo nguyên tác bằng Hán văn của Đặng
Trần Côn là: "Kiến nhạn uổng nhiên tư tái bạch". "Thấy nhàn" có nghĩa là
thư tín, do điển Tô Võ.
Tô Võ tự Tử Khanh, quê ở Mậu Lăng, huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây,
người đời Tây Hán (206 trước-196 sau D.L.) làm quan triều vua Nguyên
Đế (48-33 trước D.L.). Lúc bấy giờ, giặc Hung Nô xâm lấn Trung Nguyên.
Nhà Hán thất bại, vua Hán phải sai Tô Võ làm sứ sang Hung Nô xin giảng
hòa. Chúa Hung Nô thấy Tô Võ ứng đối cứng cỏi, lưu loát tỏ ra người có ý
chí tài ba lỗi lạc nên ý muốn thu dùng, tìm lời dụ hàng. Không kết quả,
nhưng chúa Hung Nô không chán nản, truyền cho Vệ Luật, nguyên là
người Hán đầu hàng, lấy tình đồng bang mà dùng lời ngon ngọt khuyên nhủ
Tô Võ. Vệ đến nói với Tô Võ:
- Tô quân nếu không nghe lời tất bị giết. Chịu chết như thế phỏng có ích gì.
Chi bằng đầu hàng đi, tài hèn như tôi còn được trọng dụng, nếu là bực đại
tài như Tô quân tất được phong vương bái tướng, sự đại phú quý hẳn cầm
chắc trong tay.
Tô Võ đứng phắt dậy, chỉ mặt Vệ Luật mắng nhiếc:
- Ta không ngờ mày lại vô lương tâm đến thế. Đã muối mặt thờ kẻ thù để
cầu vinh, tưởng không còn dám trông ta, ai ngờ mày lại mặt dày mày dạn
quá, đến đây khuyên ta đầu hàng. Mày bước ngay đi, chớ nhận ta là người
cùng nòi cùng nước nữa. Vì nòi giống Trung Quốc không bao giờ lại có
hạng vô sỉ như mày.
Bị sỉ nhục thậm tệ, Vệ Luật đỏ mặt trở về, phục mạng chúa Hung Nô rằng