Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ đi viếng người thân trở về.
Nàng theo sau cha, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý
thơ dồi dào, nàng hiểu rõ tâm tình của khách du xuân năm ngoái. Nàng
buồn bã thở dài, hối tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng.
Rồi ngày này sang ngày khác, nàng thiếu nữ họ Đào vẫn tựa mình bên cửa
cổng, mong đợi và hy vọng người khách hào hoa phong nhã xin nước năm
xưa. Nhưng ngày lại ngày qua, mấy lần bóng chiều xuống, bóng người xưa
chẳng thấy mà chỉ thấy vài cánh chim chiều bạt gió, lẻ loi từ ngàn phương
kêu bạn đổ về bằng một giọng não nùng...
Nàng âm thầm gạt lệ. Nhưng lệ vẫn trào lên khóe mắt, đẫm lên đôi má. Rồi
đông qua xuân đến, hè lại thu sang, lá rơi rụng bay lả tả phủ đầy thềm. Trời
thu hiu hắt. Cảnh sắc thu thêm giục khách sầu đau. Rồi mỗi khi xuân về,
ánh thiều quang ấm áp, ủ ấp trên ngàn cây nội cỏ càng gợi lại nỗi nhớ
nhung hình ảnh của ai làm dằng dặc cõi tâm tư.
Nàng cảm thấy đời hoàn toàn tuyệt vọng. Rồi từ ấy nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân
hình tiều tụy, dung nhan võ vàng. Thân phụ ngày đêm lo lắng, tìm thầy
thuốc. Nhưng nào biết đâu: "Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng, tùng lai
vô dược liệu tương tư" (Có thầy giỏi cứu được sự sống cho người, chớ
không có thuốc chữa bịnh tương tư).
Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già
nghe và xin tha tội bất hiếu. Người cha xúc động đau khổ cho số phần đen
bạc của đứa con gái duy nhứt của mình. Nhìn thấy đứa con nằm thiêm thiếp
trên giường như chờ đợi tử thần, ông lão thương con nóng lòng, đâm liều
chạy tìm người đã đề thơ trên cổng. Nhưng hạc nội mây ngàn tìm đâu cho
thấy.
Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong
mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng may được gặp chàng trẻ tuổi xa lạ
đã gây sóng gió bão tố trong gia đình ông mà giờ phút này, ông cho là vị
cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy kiếm nữa...
Vừa ra khỏi cổng, bỗng chạm phải một người. Ông ngửng mặt nhìn. Đó là
một thư sinh tuấn tú. Thấy ông, mặt mày giàn giụa nước mắt, cử chỉ hốt
hoảng, chàng thư sinh thăm hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể. Nhưng kể