Chim có trống mái,
Chẳng theo phượng hoàng.
Thiếp là thứ dân,
Chẳng thích Tống Vương.
Vua Tống tức quá, bảo:
- Nàng đến đây rồi, dẫu không muốn thờ ta cũng không thể được.
Tức Thị thấy thế cùng, nói:
- Để thiếp tắm gội, thay áo, lạy linh hồn chồng cũ rồi sẽ xin hầu đại vương.
Vua Tống bằng lòng cho.
Tức Thị tắm gội, thay áo xong, ngửa trông lên không, chắp tay vái hai vái
rồi từ trên lầu đâm đầu xuống. Vua Tống hoảng hốt, vội níu lại nhưng
không kịp, trông nàng đã tắt thở rồi. Khám xem trong mình nàng có một
bức thư. Đại ý nói: sau khi chết xin cho đem thi thể cùng chôn một mộ với
chồng, dưới suối vàng sẽ đội ân sâu.
Vua Tống cả giận, cho người chôn riêng một nơi, làm hai mộ cách xa nhau.
Được ba hôm, bỗng một đêm có giống cây Văn Tử mọc ở cạnh hai ngôi
mộ. Chỉ trong tuần nhật, cây ấy dài hơn ba thước, những cành quấn quít lấy
nhau như một. Thỉnh thoảng có một đôi chim uyên ương đậu ở trên cành,
giao đầu kêu nhau một giọng bi thương. Người trong xóm thương xót, cho
đó là oan hồn của vợ chồng Hàn Phùng hóa sinh; và gọi thứ cây ấy là "Cây
tương tư".
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du có câu:
Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
"Chắp cánh liền cành" ý nói: vợ chồng gắn bó.
Trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, có câu:
An đắc tại thiên vị tỷ dực điểu,
Tại địa vị liên lý chi.
Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm:
Thiếp xin về kiếp sau này,