Giới Tử Thôi vốn người trong bọn tòng vong, nhưng tính khí điềm đạm.
Khi Trùng Nhĩ lên ngôi, ông chỉ vào chúc mừng một lần đầu, rồi cáo ốm về
nhà, yên phận nghèo khổ, vẫn đi khâu giày thuê để lấy tiền nuôi mẹ.
Khi Tấn Văn Công ban thưởng công thần, không thấy Giới Tử Thôi đến thì
cũng quên mất, chẳng hỏi chi đến. Người láng giềng nhà Giới Tử Thôi tên
Giải Trương, thấy thế không bằng lòng, nhưng khi thấy trên cửa thành có
chiếu yết thì vội vàng gọi cửa báo tin cho Giới Tử Thôi biết. Ông chỉ mỉm
cười, không nói gì. Bà mẹ ở dưới bếp nghe tiếng, ra bảo con:
- Mày khó nhọc trong 19 năm trời, cắt thịt đùi để dâng chúa công, sao bây
giờ mày không nói ra để lãnh thưởng? Họa may được một vài chung thóc,
chẳng còn hơn đi khâu giày thuê hay sao?
Giới Tử Thôi thưa:
- Các con của Hiến Công cả thảy 9 người, chỉ có chúa công hiền đức hơn
cả. Huệ công và Hoài công không có đức, vậy nên trời đất truất ngôi mà để
cho chúa công. Các người theo hầu không biết ý trời, dám tự nhận là công
mình, con nghĩ lấy làm xấu hổ lắm, chẳng thà đi khâu giày mà sống còn
hơn.
Bà mẹ nói:
- Con làm được người liêm sỉ, có lẽ ta lại không làm được mẹ của người
liêm sỉ hay sao! Vậy thì mẹ con ta tìm nơi rừng núi ẩn thân.
Giới Tử Thôi cả mừng, liền cõng mẹ đến đất Miên Thượng, làm nhà trong
hang mà ở. Láng giềng hàng xóm không biết là đi đâu, chỉ có Giải Trương
biết chỗ ở mà thôi. Giải Trương thấy ức, viết một bức thư, đang đêm đem
treo ở triều môn. Sáng hôm sau, có người cận thần bắt gặp đem vào dâng
cho nhà vua. Tấn Văn công mở ra đọc:
Có một con rồng,
khi còn thất thế,
Đàn rắn đi theo,
chu du thiên hạ.
Rồng không có ăn,
một rắn cắt đùi.
Nay rồng trở về,