Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Can Tương, Mạc Gia
Can Tương và Mạc Gia là tên hai vợ chồng người rèn kiếm. Mà cũng là tên
hai thanh kiếm báu ngày xưa ở bên Tàu.
Nguyên đời Xuân Thu, vua nước Ngô là Hạp Lư muốn có những thanh
kiếm báu, mới đắp một cái thành ở Ngưu Thủ sơn để đúc mấy ngàn thanh
kiếm, gọi là Biển Chư. Tuy vậy chưa vừa ý, nhà vua tìm được người nước
Ngô tên Can Tương, cho ở cửa Tượng Môn để đúc những thanh kiếm thật
sắc, chém đá như chém bùn.
Can Tương được lịnh nhà vua cho vào kho và khắp toàn quốc tìm vàng và
sắt thật tốt. Đoạn chọn ngày giờ, Can Tương sai các đồng nam và đồng nữ
trinh tiết cả thảy 300 người, ngày đêm đốt than nấu. Nhưng suốt cả ba
tháng trời, vàng sắt vẫn không chảy. Can Tương lấy làm lạ, không biết tại
sao? Người vợ là Mạc Gia bảo rằng:
- Những vật báu của thần linh tất phải đợi nhân khí mới thành tựu được.
Nay phu quân đúc kiếm suốt ba tháng không thành, hoặc giả thần linh còn
chờ đợi nhân khí chăng?
Can Tương nói:
- Ngày xưa thầy ta cũng đúc mãi mà kiếm không thành, nên cả hai phải
nhảy vào lò, bấy giờ mới kết quả. Về sau, ai đúc kiếm ở chân núi ấy cũng
phải làm lễ tế lò. Nay ta đúc kiếm mãi không được, hay là cũng phải thực
hành như thế!
Mạc Gia nói:
- Thầy ta còn bỏ thân để đúc nên thần kiếm, khó gì mà ta không noi gương.
Đoạn, Mạc Gia tắm gội sạch sẽ ra đứng ở bên lò. Sai các đồng nam, đồng
nữ kéo bễ đốt than. Giữa lúc lửa cháy phừng phực, Mạc Gia liền nhảy ngay
vào lò. Được một lúc, vàng và sắt đều chảy ra cả.
Bấy giờ, Can Tương đúc được hai thanh kiếm. Thanh đúc trước lấy tên là
Can Tương. Thanh đúc sau lấy tên là Mạc Gia. Can Tương giấu lại một
thanh kiếm, chỉ đem thanh kiếm Mạc Gia dâng cho Hạp Lư. Vua Ngô cầm