- Chú thật độc ác. Bằng hữu tốt, người ta còn chết thế cho nhau, sao chú lại
nỡ rủa tôi như vậy? Tôi nói cho mà giữ hồn; nếu hùm dữ ăn tôi thì sóng
thần nhận chú.
- Sóng thần nào nhận tôi được?
- Biết chừng đâu. Trời khi nắng khi mưa, người khi phúc khi họa. Sao chú
chắc là không chìm xuống đáy sông?
- Anh nói vậy chớ không chắc gì. Thật ra nghề làm ăn của tôi vững lắm.
Lý Định xì một tiếng, nói:
- Chú làm ăn chân trời mặt nước, hiểm nghèo quá đỗi, mạng có ba phân,
sao chú gọi là vững?
Trương Lão nghiêm nghị đáp:
- Anh không hiểu. Tôi xin nói anh nghe. Nguyên phía tây chợ Trường An
có một ông thày bói linh lắm. Mỗi ngày đem cho ông một con cá chài vàng
thì coi một quẻ. Ông sẽ chỉ hướng nào cá nhiều, vãi trăm chài không sai
một. Bữa nay tôi đi coi quẻ. Ông bảo tôi bủa lưới phía đông trên ngọn sông
Kinh, rồi qua phía tây vãi chài thì trúng. Quả như lời nói, chở tôm cá khẳm
ghe.
Tục có câu: "Nhà có mạch, vách có tai", câu chuyện giữa hai người bỗng có
kẻ nghe được. Nguyên có quỷ Dạ Xoa ở sông Kinh đi tuần dưới nước, nghe
ông chài nói "Vãi trăm chài không sai một" thì hoảng kinh hối hả trở về
thủy cung báo với vua Rồng về lời của lão chài nói. Đoạn hắn lại kết luận:
- Vãi trăm chài không sai một, nếu mãi như vậy thì dưới thủy cung này hết
binh tướng, lấy ai mà giúp việc vua.
Vua Rồng nghe nói nổi giận, xách gươm toan đi, quyết đến Trường An hạ
sát thày bói giỏi. Nhưng Rồng con, Rồng cháu, tướng Chạch, quan Cua,
quân sư Cháy, thừa tướng Chài ... đồng ra quỳ tâu:
- Xin chúa công bớt giận, lời huyễn chớ khá nghe. Nếu chúa công xuống
chợ, nổi dông tố mây mưa, sợ dân Trường An khốn hại. Trời sẽ bắt tội
chẳng dung. Vậy nên giả tú tài, đến chợ Trường An xem thử. Nếu thực như
lời thì giết, dối thì thôi.
Vua Rồng nhận lời, lên bờ giả làm tú tài áo trắng, thẳng đến chợ Trường An
thấy thiên hạ đương bao vây ông thày xin xem quẻ. Ông thày bói tên Viên