Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Lễ tang
Lễ tang là lễ đặt ra để tỏ lòng thương trọng và kính thờ người chết.
Theo Khổng Tử thì trị thiên hạ "trọng nhứt là ba việc: ăn, tang và tế" (Sở
trọng giả, thực tang tế). Theo Mạnh Tử thì: "Đạo trị thiên hạ cần nhứt là
khiến dân nuôi người sống và tang người chết mà không có điều di hám"
(Dưỡng sinh tang tử vô hám, vương đạo chi thủy giả). Bởi thế ở xã hội Việt
Nam cũng như ở xã hội Trung Hoa, lễ tang còn có phong tục và lễ nghi
phiền phức hơn việc hôn nhân nữa.
Việc tang trọng nhứt là tang cha mẹ.
Khi cha mẹ hấp hối thì phải đem ngay ra giữa nhà để tỏ rằng cha mẹ chết vì
lẽ quang minh chính đáng. Bấy giờ phải đặt tên thụy, tục gọi là tên hèm hay
tên cúng cơm, rồi thưa cho cha mẹ biết. Đoạn lấy một mảnh lụa trắng dài 7
thước để lên mặt, sau khi kết thành hình người gọi là hồn bạch để hồn
người chết tựa vào đó. Khi tắt hơi thì người nhà lấy một chiếc khăn tay hay
một tờ giấy phủ trên mặt, khiêng xác đặt xuống đất rồi lại khiêng lên
giường, có ý để cho người hấp thụ sinh khí của đất may ra có sống lại được.
Đoạn một người cầm cái áo của người chết, tay tả cầm cổ, tay hữu cầm
lưng, do đường trước trèo lên mái nhà để gọi tên và hú hồn người chết ba
lần, rồi do đường sau nhà mà xuống. Đó là lễ phục hồn. Bấy giờ con cháu
mới khóc và thay bỏ hết đồ trang sức mà quấn tóc và đi chân không, cùng
ăn cháo để tỏ lòng đau thương.
Sau khi lập người tang chủ (thường là người con trưởng, là cháu trưởng
thừa trọng) và người chủ phụ (vợ người chết hay vợ tang chủ) thì phải lo
việc trị quan, nghĩa là sửa soạn quan tài theo nghi tiết nhứt định, rồi tắm gội
và thay quần áo mới cho người chết để sắp sửa làm lễ phạm hàm. Lễ này,
người nhà dùng một chén gạo nếp và ba đồng tiền, chia ra ba lần mà bỏ vào
miệng người chết. Bấy giờ đến lễ tiểu liệm (một mảnh dọc, ba mảnh ngang)
và đại liệm (một mảnh dọc, năm mảnh ngang), theo nghi tiết mà lấy vải bọc
lấy xác người chết cho kín.