Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Thanh Minh là tên một thời tiết, tức là một khoảng thời gian phân định sẵn
trong lịch Tàu.
Lịch cổ nước Tàu chia một năm ra làm 8 tiết, gọi là "Bát tiết": lập Xuân,
lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Lịch Kim (tức là lịch đời Hán trở lại) của Tàu thì chia năm ra làm 24 Khí
hoặc Tiết. Cứ ba ngày là một Hậu; 5 Hậu là một Khí hoặc Tiết. Một năm có
24 Khí hoặc Tiết. Mỗi tháng chia làm 2 Khí. Khí nhằm vào những ngày đầu
tháng thì gọi là Tiết Khí. Khí nhằm vào giữa tháng thì gọi là Trung Khí.
Tiết Khí và Trung Khí thường gọi tắt là Tiết và Trung.
Đầu thời Hán lấy tiết Kinh trập làm "Chính nguyệt trung" (tức là khí vào
giữa tháng giêng), lấy Vũ thủy làm "nhị nguyệt tiết" (tức là khí vào đầu
tháng hai). Cuối đời Hán, Lưu Hầm làm Tam thống đổi Kinh trập làm "Nhị
nguyệt tiết" (khí vào đầu tháng hai), Vũ thủy làm "Chính nguyệt trung" (khí
vào giữa tháng giêng), Cốc vũ là "Tam nguyệt tiết" (khí đầu tháng ba);
Thanh minh làm "Tam nguyệt trung" (khí giữa tháng ba).
Lịch Tàu ngày nay tức là sau đời nhà Hán thì chia Thanh minh làm Tam
nguyệt tiết (khí vào đầu tháng ba).
Hai mươi bốn tiết khí trong một năm là:
Mùa xuân: Lập Xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.
Mùa hạ: Lập Hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.
Mùa thu: Lập Thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng.
Mùa đông: Lập Đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh
Thanh minh có câu:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.