Lẽ cố nhiên, Từ rất vui lòng.
Ngay trong đêm ấy, phu nhân truyền thắp đèn mỡ phụng, trải chiếu vũ
rồng, làm lễ giao bôi.
Thấm thoát đã được một năm.
Nhưng cảnh tiên không khuây khỏa được lòng trần. Từ bỗng động lòng
nhớ cố hương nên ngỏ ý với Giáng Hương. Biết không giữ được, nàng
đành thưa với mẹ. Phu nhân biết Từ còn nặng lòng trần tục nên bằng lòng
cho chàng một chiếc cẩm vân xa để đi về. Riêng Giáng Hương thì giao cho
chàng một phong thư, dặn về đến nhà hãy mở ra xem.
Đến nhà, cảnh cũ không còn như xưa, vật đổi sao dời, thành quách, nhân
dân hoàn toàn khác trước; duy cảnh núi sông là còn như thuở độ nào. Từ
đem tên họ mình mà hỏi thăm người già cả, thì có người nói:
- Thuở tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi
vào núi mất đến nay đã hơn 60 năm.
Từ bấy giờ mới hậm hục bùi ngùi, muốn lên xe mây để về lối cũ, nhưng
xe đã hóa ra con tường loan bay mất rồi. Từ mở thư của Giáng Hương xem
thì thấy có câu: "Kiết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn; phỏng tiên
sơn ư hải thượng, hậu hội vô nhân" (Kết bạn loan ở trong mây, duyên trước
đã dứt; tìm núi tiên ở trên biển, hội sau khôn cầu). Ý nói: duyên trước kết
đôi loan phụng cùng nhau nay đã đoạn tuyệt rồi; ngày sau muốn tìm lại núi
tiên cũng không được.
Về sau, Từ Thức mặc áo khinh cừu, đội nón lá, vào núi Hoàng Sơn ở
huyện Nông Cống (Thanh Hóa) rồi đi mất.
Lê Quí Đôn, đời Hậu Lê, có vịnh bài thơ:
Câu chuyện thần tiên rất khó lường,
Bích Đào động nọ đã hoang lương.
Áo bông gió bụi: thân Từ Thức,
Mày liễu xuân tàn: sắc Giáng Hương.
Trống đá ngày qua nghe tiếng động,
Nhủ diêm sương nhuộm mất mùi thường.
Thiên thai mộng tưởng cho thêm khổ,
Ai biết thiên thai cũng hí trường.