Nhưng "Trúc mai" còn có một nghĩa khác hơn.
Đây không phải là cây tre và cây mơ (bamboo et abricotier), cũng không
phải là cây tre và cây bương. Mà chính do tiếng "Mai trúc" đảo ngược.
Nghĩa là Tre làm mai mối.
"Mai trúc" do điển tích chép trong sách "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút":
Ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm
(hồ), tên là "Đỗ Phụ đàm" (nghĩa là đầm đánh đố được vợ).
Tương truyền ngày xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau, thường
ngồi chơi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân. Một hôm cả hai bảo nhau:
- Chúng ta bây giờ chơi thân nhau nhưng không biết có được thân với nhau
mãi chăng? Đây rồi khi lớn lên, kẻ nơi người ngả.
Hai trẻ đều buồn. Nhưng rồi lại nghĩ ra một cách đánh đố nhau, chẻ một
lóng tre ra làm đôi, mỗi người cầm một mảnh liệng xuống giòng nước,
nguyền với nhau rằng: hễ hai thanh tre ấy mà trôi khép lại làm một thì hai
bên kết làm vợ chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi
mãi.
Cả hai thực hành, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khép liền nhau như
lóng tre chưa chẻ.
Thế là cô cậu lấy nhau làm vợ chồng. Và, đầm ấy có tên là "Đỗ Phụ đàm".
Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là "Mai trúc" nghĩa là giống tre làm mai
mối.
Đời Thanh (1644-1909), thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh trúc mai:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền.
(Bản dịch của Vân Hạc Lê Văn Hòe.)
Nguyên văn:
Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn.