Paris. “Buổi chiều hôm đó là một khóa học ngắn về lịch sử Việt
Nam, được Bác Hồ giảng cho chúng tôi bên tách trà. Bác đã làm điều
đó hoàn toàn theo cách Việt Nam truyền thống khiến chúng tôi cảm
thấy rất thoải mái, với vẻ hài hước nhẹ nhàng, những truyền thuyết,
giai thoại, và thông điệp đạo đức vừa vui vừa hữu ích.”
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Phạm Xuân Ẩn và Philippe
Franchini đã trở thành bạn. Họ cùng thích nói đùa và cười giễu
những thói xấu của con người, kể cả của chính mình. Những đánh
giá của họ rất sắc sảo, những bản năng của họ được mài giũa tinh tế.
Người khác tìm đến họ như những nhà thông thái, nhưng hoàn toàn
không có chút gì là giả tạo trong sự khôn ngoan của họ. Họ là những
nhân vật khiêm nhường, cao quý, những người luôn cầm trịch tại
mỗi banque e ở bất kỳ quán cà phê nào họ ngồi lại.
Alain Taieb trong bộ phim của mình về Franchini và Phạm Xuân
Ẩn đã để họ cùng nhau trong khu vườn của khách sạn, có lẽ là để
nhìn họ ôn lại những ngày xưa, khi Franchini sở hữu nơi này và
Phạm Xuân Ẩn làm ở trên lầu hai trong văn phòng gồm hai buồng
của Time trông ra quán cà phê Givral. Phạm Xuân Ẩn và Franchini
bỏ qua phần ôn kỷ niệm và đi thẳng vào vấn đề chính. Phạm Xuân
Ẩn muốn cả thế giới biết rằng Franchini là một con người đáng tôn
trọng. Ông thừa kế từ cha mình một khách sạn lớn chìm đắm trong
những khoản nợ khó đòi, và thay vì trốn tránh những khoản nợ này
ông đã trả lần lượt từng khoản một trong suốt một thập kỷ.
Franchini mất tất cả mọi thứ vào cuối cuộc chiến tranh khi khách
sạn của ông bị cộng sản tịch thu, nhưng danh dự của gia đình ông
được bảo toàn. Những lời của Phạm Xuân Ẩn làm Franchini trào
nước mắt.
Franchini là một métis, một người lai Á-Âu giữa một người cha
quê ở đảo Corsica và một người mẹ Việt Nam. “Ở Việt Nam, không
ai tin métis,” ông nói. “Họ biết quá nhiều. Họ chẳng khác gì những
người châu Âu trong khi lại quan sát thế giới qua đôi mắt của người
châu Á. Họ là những điệp viên trong nhà của cha mẹ họ.