Khi được báo Tuổi Trẻ mời vào ban giám khảo cuộc thi viết Cửa sổ tâm
hồn thực ra trong thâm tâm tôi không xem đây là một cuộc thi. Nhưng vì có
thứ hạng, có giải thưởng nên phải có quy chế như mọi cuộc thi khác.
Bởi lòng tốt và nét đẹp của tâm hồn thực khó mà so sánh và xếp loại, mà
cũng không nên so sánh và xếp loại. Trong thực tế, chúng ta thường xì xầm
bàn tán vụ án nào lớn hơn vụ án nào, tên tham quan nào ăn nhiều hơn tên
tham quan nào, hay sự nhũng nhiễu nào nghiêm trọng hơn sự nhũng nhiễu
nào, chứ chúng ta ít khi nào xếp thang bậc cho điều tốt.
Ngay trong cuộc thi này cũng vậy, khi đọc gần 100 bài được chọn vào
chung khảo, tôi luôn bắt gặp mình rưng rưng theo từng con chữ nồng ấm và
thật khó mà nói câu chuyện nào giàu cảm xúc hơn câu chuyện nào. Từ
người thầy học cũ chắt chiu những tờ bạc nhàu nhò giúp đứa học trò khốn
khó đến cô gái mắc bệnh nan y vờ hất hủi chàng trai mà cô yêu thương rất
mực. Từ anh thanh niên giành chiếc xích lô từ tay người phu xe già nua để
tự mình đạp lấy đến người cha tự trọng vì trách nhiệm và tình cảm với
người thân mà phải lụy mình. Câu chuyện nào cũng cảm động, cũng toát
lên một bài học lớn về lòng nhân ái và trung hậu.
Đọc những câu chuyện đời thường ấy, ai trong chúng ta cũng bắt gặp cảm
giác ngờ ngợ như đã từng nhìn thấy những hình ảnh kia đâu đây trong cuộc
sống hằng ngày. Thì đúng vậy chứ còn gì. Đây chính là những câu chuyện
thật được ghi nhận và kể lại, những câu chuyện thoạt trông có vẻ nhỏ nhặt
nhưng suy cho cùng đều có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi không có gì tai
họa cho bằng khi cuộc sống thiếu vắng những tấm lòng.
Thật vui khi những câu chuyện mang những nét đẹp của tâm hồn đó vẫn
còn ở khắp nơi - 1.500 bài viết tham gia cuộc thi trong một thời gian ngắn
là một ví dụ. Điều đó giúp chúng ta tin vào cuộc sống, tin vào con người,
tin rằng trong cuộc đời dẫu rất bấp bênh này cái Xấu, cái Ác không bao giờ