chút tí nào. Không chỉ vì sợ lãng phí không dám sắm thêm vật dụng trong
gia đình mà đồ dùng của chủ nhà để lại cũng nay hỏng mai hư, thành thử
lúc sử dụng cứ phải rón rén cẩn thận. Bình nóng lạnh lúc thì nóng phỏng da
lúc thì lạnh ngơ ngắt, qua mấy hồi khua môi múa mép với chủ nhà, quả
thực họ cũng tìm người sửa chữa mấy lần, nhưng cuối cùng đâu cũng lại
vào đấy. Lại còn cái vòi nước sống dở chết dở trong bếp, mỗi lần động vào
nó là y như rằng có chuyện. Thế nên lúc nào Điền Ca cũng dặn đi dặn lại
Lý Dương: “Anh nhẹ tay một chút, trong hợp đồng chủ nhà ghi rõ, đây là
hàng hiệu những mấy trăm Đại dương[2] đấy. Nhỡ làm hỏng là phải bồi
thường theo giá đó, vợ chồng mình có đến nổi không?”.
[2] Một loại tiền tệ thời xưa.
Ngán ngẩm cái cảnh ăn nhờ ở đậu đến tận cổ nhưng mà hai vợ chồng
vẫn phải chấp nhận nỗi đau khổ của việc thuê nhà thôi chứ biết làm thế nào.
Đến năm thứ tư Lý Dương ở Thanh Đảo thì gia đình nhỏ bé của anh
trải qua hai việc lớn.
Một là, Điền Ca có thai. Mặc dù, về tư tưởng và tâm lý cùng với điều
kiện kinh tế, thì họ chưa có sự chuẩn bị tốt để đón thêm thành viên của gia
đình, nhưng người xưa chả nói “con cái là lộc trời cho” nên hai vợ chồng
nỡ lòng nào từ chối. Khi ấy, thu nhập của hai vợ chồng cũng khá hơn so với
mấy năm đầu, nhưng do có nhiều việc phải lo nên số tiền họ dành dụm
chẳng được bao nhiêu. Vì tương lai của đứa con bé bỏng, hai vợ chồng trẻ
nỗ lực kiếm thêm tiền, lại dè sẻn chi tiêu, tiền lương, tiền thưởng, tiền làm
thêm giờ, một xu cũng không bỏ. Khi Ni Ni bé bỏng trong bụng của Điền
Ca được sáu tháng, thì họ cũng để dành được một vạn tệ. Lúc đó, vừa khéo
tới kỳ hạn thuê nhà, trong khi dự án mua nhà trả góp lần thứ hai của cơ
quan Lý Dương vẫn xa lắc xa lơ, nên hai người hạ quyết tâm mua nhà.
Nhưng hồi đó, giá nhà tại Thanh Đảo đã lên đến bốn năm nghìn tệ, một căn
hộ second-hand rộng 60m2 cũng mất đứt ba mươi vạn tệ, lấy đâu ra tiền thủ
phó để trả đây?