Tôi nghĩ chúng tôi đã nói với nhau không quá 10 từ trong buổi tối đã trôi qua đến 7
năm ấy. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó lại là sự khởi đầu cho một mối quan hệ mật thiết giữa
hai chúng tôi trên phương diện cá nhân cũng như công việc, trải dài qua 5 châu lục.
Từ Sydney tới Copenhagen, từ Tokyo cho tới New York, bất cứ khi nào có thể, chúng
tôi đều cố gắng kiến tạo những chuyến công tác cùng hành trình với nhau. Cười nói,
chia sẻ và tương trợ lẫn nhau – đó là một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi. Mỗi
năm 300 ngày, Martin ở trên đường. Tôi thì không phải tận hưởng trải nghiệm tệ hại
ấy, nhưng nếu bạn đi công tác quá nhiều, thì tới một thời điểm nào đó, bạn hẳn sẽ
ngừng đếm những chiếc gối lạ và chẳng thèm quan tâm đến những chiếc cuống vé
máy bay nữa, chỉ đơn giản là tiến lên và trở thành chiến binh rong ruổi trên các nẻo
đường.
Martin quan sát, nghe ngóng và trải nghiệm. Lí lịch trích ngang trên Website riêng của
Martin cho biết năm lên 12 tuổi anh ấy đã bắt đầu sự nghiệp liên quan đến quảng cáo.
Tôi thì không thấy điều đó có gì thú vị ngoài thực tế là ở tuổi đó, cha mẹ đã lôi anh ra
khỏi trường học, cả nhà cùng nhau lên một chiếc thuyền buồm và đi vòng quanh thế
giới. Tôi biết chắc rằng ở tuổi 12, tôi không thể nào sống trên một chiếc thuyền dài 10
mét trong vòng hai năm với cha mẹ mình được. Martin nói rằng đến giờ anh vẫn còn
bị say sóng và quyết định lựa chọn sống ở Sydney, nơi càng cách xa quê hương Đan
Mạch của anh càng tốt.
Trong thế giới mà những buổi diễn thuyết chính là phương tiện để học hỏi, điều thú vị
là bạn thấy mình được chia sẻ quan điểm với những người mà họ lại thường có quan
điểm khác biệt với bạn. Đó là kiểu vừa chấp nhận, vừa nghi ngờ thực tế. Trong sự
nghiệp của mình, với tư cách là một nhà nhân loại học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực
mua sắm, tôi không thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các nhà làm quảng cáo
hay tiếp thị. Nói sao, tôi có một mối nghi ngờ cơ bản đối với sự hấp dẫn của các
thương hiệu thế kỷ 20; tôi không mặc những chiếc áo với biểu tượng cá sấu hay gã
chơi golf polo trên ngực và tôi thường giật tất cả các loại nhãn mác ra khỏi những
chiếc quần jean của mình. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng các công ty phải trả tiền cho tôi
vì đặc quyền đặt lô-gô của họ lên đồ đạc của tôi, chứ không phải ngược lại. Do vậy, sẽ