KINH TẾ HỌC TRẦN TRỤI?
Khác với nhiều cuốn sách nhập môn kinh tế học khác, Naked Economics,
được dịch sang tiếng Việt dưới nhan đề Đô-la hay Lá nho?, không phải là
cuốn sách liệt kê các khái niệm, thuật ngữ và nguyên lý sơ đẳng của môn
kinh tế học theo kiểu “gạch đầu dòng” khô khan và buồn tẻ. Bức chân dung
kinh tế học mà Wheelan vẽ ra trong cuốn sách của mình, với tựa đề vừa
khêu gợi, vừa thách thức, lại vừa mang tính cổ động, quả thật rất sinh động
và đầy sức cuốn hút.
Kinh tế học, như Malkiel nhận xét, “khó hơn cả khoa học tự nhiên”. Lịch
sử phát triển kinh tế của nhân loại, với tất cả những thăng trầm, bí ẩn và vô
số khó khăn đang đặt ra hiện nay, xác nhận điều đó. Ấy vậy mà Wheelan
đặt tên cho cuốn sách có mục tiêu giúp mọi người tiếp cận bộ môn khoa
học khó khăn đó là “Kinh tế học trần trụi”, tức “kinh tế học được phơi
bày”, “kinh tế học không bị che giấu”, “kinh tế học bị lột trần”.
Mục đích của cuốn sách, như vậy, rất rõ ràng: đưa kinh tế học đến với tất
cả mọi người theo cách hiệu quả nhất và dễ tiếp cận nhất. Nhưng Wheelan
cũng nói rõ: “Cuốn sách không phải là kinh tế học cho kẻ ngốc; nó là kinh
tế học cho những người thông minh chưa bao giờ nghiên cứu kinh tế học
(hoặc chỉ biết mung lung về nó)”. Như vậy, đối tượng độc giả mà cuốn sách
nhắm tới là “mở”, nhưng được hạn định nghiêm túc, căn cứ vào chính tầm
quan trọng và tính khoa học của bộ môn được coi là “khó hơn cả khoa học
tự nhiên”.
Cuốn sách của Wheelan bàn về những vấn đề gì? Xin thưa: các nguyên
lý cơ bản của kinh tế học, hay cụ thể hơn, các nguyên lý về nền kinh tế thị
trường. Chúng được giới thiệu thông qua việc mổ xẻ các sự kiện, biến cố