Trương Hoằng Cơ (đời thứ 4) là một trong Tam gia của làng. Năm 1763,
ông lúc đó là một nhân sĩ có vai trò lớn trong làng đã đứng ra quyên góp,
trùng tu Chùa Cầu. Đặc biệt, một số người của tộc Trương đã đóng vai trò
quan trọng trong hoạt động hoạt động hành chính và thương mại của chính
quyền tiêu biểu là Trương Hoằng Cơ - Hương trưởng làng Minh Hương,
Trương Hoằng Đạo là quan Cai phủ, tước Tử, một vị khác làm Tri huyện
Đại An. Tộc Trương cũng có truyền thống về khoa bảng, nhiều người đã đỗ
cử nhân, tú tài như Cử nhân Trương Tăng Diễn, Tú tài Trương Tăng Trị...
Di tích được xây dựng muộn nhất cách nay 176 năm và đã có ít nhất 3 lần
tu bổ vào các năm 1912, 1957, 1990. Đợt trùng tu 1912 là đại trùng tu, kiểu
dáng kiến trúc lúc bấy giờ được duy trì đến hiện nay.
Hằng năm, tại di tích diễn ra các lễ chính là: Tế xuân, ngày 15/2 âm lịch;
tế thu, ngày 15/8 âm lịch; chạp mã tộc, ngày 24/11; tế ông Trương Hoằng
Cơ, ngày 3/11. Các lễ tế hiện nay diễn ra theo trình tự cúng tế truyền thống
của người Việt. Vật phẩm cúng tiêu biểu là heo quay. Theo một người cao
tuổi trong tộc cho biết, cách đây 40 - 50 năm, vào dịp tế xuân, thu tại nhà
thờ tộc, đại diện làng Minh Hương đến nhà thờ dự lễ và tiến cúng heo quay
và nhiều vật phẩm khác.
Nhìn chung, Trương tộc là một trong những tộc họ người Hoa định cư vào
buổi đầu hưng thịnh của thương cảng Hội An, được cộng đồng cư dân làng
Minh Hương tôn vinh là một trong những tộc tiền hiền, đóng góp nhiều
trong sự nghiệp xây dựng làng Minh Hương - Hội An. Con cháu tộc Trương
trong các thế kỷ XVII-XIX đã tham gia vào công tác hành chính, hoạt động
quản lý thương mại của cảng thị, tu bổ di tích qua đó góp phần thúc đẩy sự
phát triển cảng thị Hội An nói riêng và vùng đất Hội An nói chung.