Người Chămpa có tầm nhìn về biển, biết cấu trúc kinh tế tổng hợp đa
ngành, tuy còn thô sơ nhưng biết khai thác mọi tiềm năng trên rừng, dưới
biển, trong lòng đất để xây dựng hưng thịnh Chiêm cảng, tạo tiền đề phát
triển kinh tế - văn hoá cho thời kỳ lịch sử tiếp theo.
Thời kỳ Đại Việt (Thế kỷ thứ XV - Thế kỷ thứ XIX): tiếp sau thời
Chămpa, muộn nhất là từ cuối thế kỷ thứ XV, vùng đất Hội An đã định hình
những hoạt động của cư dân Đại Việt. Ở vào buổi đầu thời kỳ này, bên cạnh
việc khai hoang lập ấp, canh tác nông nghiệp, người Việt ở Hội An còn linh
hoạt sáng tạo một số ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội
từng vùng đất: Làng Thanh Châu với nghề khai thác yến sào; làng chài
Võng Nhi, Đế Võng với nghề đánh bắt, chế biến hải sản; làng mộc Kim
Bồng, làng gốm Thanh Hà với nghề thủ công điêu khắc gỗ, làm gạch ngói
xây dựng; làng Hội An, Cẩm Phô với nghề buôn bán... Từ thế kỷ XVII, cộng
đồng dân cư Hội An được bổ sung thêm các kiều dân là thương khách Hoa,
Nhật và một số từ các nước khác đến đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của
các ngành nghề vốn có thêm thích ứng với sinh hoạt thương nghiệp, nông
nghiệp.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của Hội An trong lịch sử. Với sự phát
triển thương nghiệp quốc tế, Hội An nhanh chóng trở thành mã đầu có hàng
hoá, sản vật phong phú; nội thương tạo đà thúc đẩy ngoại thương đi lên để
làm nên sự phồn thịnh ở đô thị - thương cảng Hội An suốt trong nhiều thế
kỷ.
Trong chủ đề này, bảo tàng trưng bày một số lượng lớn hiện vật gốc và
hình ảnh tư liệu phong phú được tìm thấy ở Hội An qua từng giai đoạn, đặc
biệt có sự so sánh rõ rệt giữa gốm Việt Nam với gốm của một số nước có
mối quan hệ giao lưu buôn bán với Hội An lúc bấy giờ như: Nhật Bản,
Trung Quốc. Bên cạnh đó, bảo tàng còn trưng bày một số tư liệu viết về Hội
An và một số bản đồ cổ của Hội An với các tên gọi khác nhau như Faifo,
Haiso... Một số dụng cụ dùng trong giao thương buôn bán như cán cân, quả
cân, ang... Giúp cho khách tham quan phần nào hình dung được một Đô thị
thương cảng tấp nập và phồn thịnh của những năm thế kỷ XVI-XVIII.