nhiều tác giả
Đoán Án Kỳ Quan
Phạm Tú Châu - Nguyễn Văn Thiệu (Dịch và biên soạn)
Chương 18
Hai Lần Phán Quyết, Con Giả Thành Con Thật
Ba Lần Nung Tượng, Vàng Thật Hóa Vàng Hư
Ở trong vô tướng tướng bỗng sinh,
Đúng đúng sai sai vẫn tranh giành.
Cuối cùng hữu tướng về vô tướng,
Trách kẻ tham lam vẫn mải mê.
Trên đây là bốn câu kệ do Tinh Thiền sư làm, ông khuyên người đời không
nên bộc lộ mình. Những người bộc lộ mình, phần lớn đều bộc lộ ở ba khía
cạnh: tham lam, giận dữ, ngu ngốc (tham, sân, si). Tham của cải của người
khác là tham, tham phúc của trời là tham. Tham không được thì sinh giận
dữ. Giận người là ngu, giận trời càng ngu. Rốt cục cái đã định thì không thể
cưỡng lại, mà cái không định thì lại không giữ được. Biết mọi sự đã được
định đoạt thì không nên tham. Biết nó không phải của mình thì lại càng
không nên tham.
Thời Chu Thế Tông cuối Ngũ Đại, ở Quy Đức, Hà Nam, có một người tên
là Kỷ Diễn Tộ. Gia đình vào loại thường thường bậc trung, đã gần bốn
mươi tuổi mà chưa có con nối dõi. Vợ là Cường thị, tính lại hay ghen
tuông, không cho chồng lấy vợ lẽ. Trong nhà chỉ có một đứa ở tên là Nghi
Nam mười sáu tuổi rất xinh đẹp. Sợ chồng gian díu với cô ta, Cường thị
không cho cô chải đầu, bó chân và luôn quản chặt Kỷ Diễn Tộ, không lúc
nào buông lơi. Kỷ Diễn Tộ có một đứa cháu trai Kỷ Vọng Hồng, là con
người anh đã qua đời tên là Kỷ Diễn Tự. Từ nhỏ Kỷ Vọng Hồng đã được
cha mẹ cưng chiều, lớn lên chẳng biết làm gì suốt ngày cờ bạc, và đã trở
thành một đứa hết sức vô lại. Cha mẹ chết sớm, Kỷ Diễn Tộ không sao dạy
bảo được Kỷ Vọng Hồng. Vợ Kỷ Vọng Hồng là Trần thị cũng là đứa thích
ăn diện, bị chồng đuổi đi, may được bố chồng Trần Nhận Phủ nhận về nuôi.