đi, nhưng khiêng không được, rồi mới châm lửa đốt nhà. Tất cả có đúng thế
không?
Đứa ở vạch rõ từng tên như thế, khiến bọn chúng sợ xanh mắt, cứng họng
không nói được gì. Quan huyện lại hỏi:
- Lúc đó bà chủ có ở đó không?
- Bà chủ không ở đó mà đứng ngoài nghe. - Đứa ở nói.
- Lúc ấy mày ở đâu? - Quan huyện hỏi.
- Con không dám ra, - đứa ở nói, - con nấp ở sau cánh cửa nên đã nhìn thấy
hết.
Thấy đứa ở khai đúng sự thực, quan huyện nhìn bọn chúng nhếch mếch
cười, nói:
- Bọn chúng mày còn chối cãi nữa đi, sắp chết đến nơi rồi! Bản huyện hôm
nay chưa dùng hình phạt.
Sau đó quan huyện lệnh giam tất cả lại, chờ ông đích thân khám nghiệm rồi
sau mới định tội. Cha con Uông Khách được người bảo lãnh. Đứa ở dẫn
Trương Diệu đi. Lúc ấy, người xem vỗ tay reo hò, nói rằng:
- Đúng là trời có mắt, thần xui quỷ khiến, nhập vào mồm đứa bé khai ra,
Trương thị nhất định được minh oan!
Thấy con bị tống ngục, tính mệnh khó bảo toàn, Hồ Đường vội vã tìm
người đút lót, lên huyện nói giúp. Thời ấy ở Gia Định có Trương Phó sứ, bị
bãi chức, nghỉ tại quê, Khâu Bình sự có đại tang cũng ở nhà. Hai người này
tham lợi, không kể gì đến liêm sỉ, họ câu kết với nhau làm những việc xấu
trong huyện, hằng ngày vẫn đi lại thân quen với Hồ Đường. Ngay hôm ấy,
Hồ Đường mang tới nhà Trương Phó sứ năm trăm lạng bạc. Phó sứ mời
vào thư phòng. Hồ Đường đặt bạc lên bàn rồi nói:
- Con tôi bị giam trong ngục, muốn nhờ tiên sinh lên nói giúp với quan
huyện thả cháu ra. Xin biếu trước ngài năm trăm lạng, xong việc sẽ biếu
thêm ngài năm trăm lạng nữa.
- Việc này không phải mình tôi làm được, mà tôi cũng phải bàn với lão
Khâu cùng lo việc này.