cho thế giới từ ngày tạo thế. Chắc hẳn ngài phó vương La Mã đã nhiều lần
bắt gặp mình nghĩ rằng những ước vọng của ngài bao giờ cũng hướng tới
ngày mai. Hôm nay ngài tiếp nhận cuộc sống như nó hiện có, nhưng nhất
định ngài thế nào cũng muốn ngày mai sẽ khác đi, và cho dù hôm nay đối
với ngài tốt đẹp chăng nữa thì ngài vẫn muốn ngày mai sẽ còn tốt đẹp hơn.
Chính vì vậy mà chúng ta bao giờ cũng hy vọng, những niềm hy vọng trong
chúng ta không bao giờ tắt hệt như ánh sáng của Chúa. Chúa Tương Lai
cũng chính là tinh thần vô tận và nói chung, tinh thần đó chứa đựng toàn bộ
thực chất, toàn bộ hành động và khát vọng của con người. Do đó đấng Chúa
Tương Lai ấy sẽ như thế nào – tốt đẹp hay xấu xa, thiện hay ác – điều đó
tuỳ thuộc vào chính bản thân con người. Nên nghĩ như vậy và cần nghĩ như
vậy, chính Đấng Tạo Thế cũng muốn những tạo vật biết suy nghĩ phải biết
suy nghĩ như vậy, do đó cứ để cho bản thân con người quan tâm đến ngày
mai trên trái đất vì mỗi người đều là một phần nhỏ của Đức Chúa Tương
Lai. Con người tự phán xét và tự sáng tạo mỗi ngày của chúng ta…
– Gượm đã, thế Ngày phán xử cuối cùng mà ngươi tuyên bố ghê gớm
như vậy nghĩa là thế nào?
– Ngày phán xử cuối cùng ư… Thế ngài không nghĩ rằng cái toà án
khủng khiếp ấy đang phán xét chúng ta từ lâu rồi sao?
– Phải chăng ngươi muốn nói rằng toàn bộ cuộc sống chúng ta là Ngày
phán xử cuối cùng?
– Ngài không xa chân lý lắm đâu, thưa ngài tổng đốc. Đi theo con đường
đã bắt đầu trong đau khổ và dằn vặt kể từ khi Adam bị nguyền rửa rồi trải
qua biết bao tội ác mà suốt nhiều thế kỷ do một số người gây ra cho một số
người khác, khiến cái ác đẻ ra cái ác và giả dối đẻ ra giả dối – chắc chắn
việc đó cũng có ý nghĩa ít nhiều đối với những kẻ đã và đang sống trên đời
này. Kể từ khi tổ tông của loài người bị đuổi ra khỏi Êđen, cái ác đã tràn lan
như một vực thẳm không đáy, và còn có loại chiến tranh gì, còn có loại bạo