Trúc cười nói:
- Chắc ở đây nhiều gió. Thảo nào lạnh ghê. Nghe tên “bến đò Gió”, Dũng
nghĩ ngay đến Loan. Chàng nhớ đã lâu lắm, một buổi chiều sang bên nhà
Loan, Loan mời chàng ăn bánh gai và nói:
- Quà nhà quê của em. Bánh này em mua ở bến đò Gió, gần quê ngoại em.
Dũng nhìn ra phong cảnh bến đò nơi mà Loan đã nhiều lần đi qua. Chàng
định khi về sẽ mua một ít bánh gai biếu bà Hai, chắc Loan vui lòng lắm.
Tiếng hát sẩm và tiếng nhị trên mặt sông vẳng đến tai Dũng. Trúc chạy ra,
tay cầm chiếc bánh gai bóc dỡ. Chàng cắn một miếng to, gật đầu khen:
- Ngon lạ. Phải mua một chục chiếc làm quà cho anh Thái... Cảnh bến đò
bao giờ cũng buồn, không hiểu tại sao?
Dũng đáp:
- Có lẽ tại nó gợi trí nghĩ đến sự biệt ly.
Nói vậy nhưng Dũng biết là không phải, nỗi buồn ấy có một duyên cớ sâu
xa hơn mà chàng chưa tìm thấy. Dũng châm một điếu thuốc lá hút rồi đưa
mắt ngắm nghía đám người nhà quê thảm đạm, quần áo xơ xác trước gió,
đương đứng đợi bên bờ sông.
Họ đứng yên, không nói, vẻ mặt bình tỉnh, không nghĩ ngợi gì, chuyến đò
mà họ đợi sang. Dũng thấy là hình ảnh của cả cuộc đời, họ sinh ra, sống
thản nhiên ít lâu không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi như những người bộ
hành một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng
nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.
Dũng ngẫm nghĩ:
- Buồn có lẽ vì tại trong thấy bến đò, mình như thấy rõ hình ảnh cuộc đời.
Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn. Đã bao lâu, mình
không làm gì cả nên mình không có cái gì để quên điều ấy đi...
Chàng mĩm cười nhìn mấy cái quán hàng trên vỉa hè và những khóm chuối
lá xơ xác đương chải gió bấc:
- Bến đò không buồn lắm, buồn nhất là những cái quán xơ xác của các bến
đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi
qua nước mắt.
Chàng nói to hỏi Trúc: