Nếu chúng ta lo sợ, mọi cánh cửa lập tức sẽ đóng chặt. Chúng ta mất
niềm vui, lo về ngày mai, sợ bóng đêm, sợ chồng hoặc vợ mình, sợ giáo
viên của mình, sợ linh mục - sợ rằng không đạt được trạng thái giác ngộ
cuối cùng. Sợ chiến tranh, sợ khủng bố, sợ tất cả những gì các vị linh mục
đã đặt ra trong suốt hai ngàn năm lịch sử Thiên Chúa giáo, sợ tất cả những
truyền thống mà người Ấn Độ cổ đã đặt ra trong suốt năm ngàn năm qua.
Có nỗi lo sợ về thiên đường và địa ngục, có nỗi lo sợ về những điều tồi
tệ nhất trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân cấu
thành lo sợ. Chúng ta đã nói, nếu bạn có thể tự khám phá được nguyên
nhân, bạn có thể xử lý được nó. Nếu bạn quan sát nó một cách cẩn thận, nó
sẽ tự nhiên biến mất. Bạn không phải làm gì cả, bạn chỉ cần quan sát
nguyên nhân, nó sẽ tự nhiên biến mất.
Nguyên nhân của lo sợ là gì? Khi nào lo sợ còn xuất hiện, khi đó sự tự
do không thể xuất hiện. Trước tiên chúng ta phải xử lý những lo sợ trong
tâm lý chứ không phải những lo sợ ngoại vi vì lo sợ ngoại vi xuất hiện sau.
Nếu những lo sợ trong tâm lý hoàn toàn kết thúc bạn có thể đối mặt với
những lo sợ về vật chất theo hướng hoàn toàn khác. Nhưng chúng ta lại
muốn kết thúc những lo sợ ngoại vi nên chúng ta tự phân chia mình thành
quốc gia, đức tin, tôn giáo, học thuyết và tất cả những phân mảnh khác
nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra được căn nguyên của những
lo sợ trong tâm lý, không phải trong vai trò là một cá nhân đơn lẻ quan sát
những lo sợ “của tôi”, mà là quan sát toàn bộ hiện tượng lo sợ vì mỗi người
đều đã và đang trải qua những lo sợ. Thậm chí ngay cả các mục sư, linh
mục, thầy tăng hoặc ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đều trải qua những lo
sợ. Loài người lo sợ về cái chết, về việc thiếu tình yêu và hàng tá những lo
sợ khác. Vì chúng ta có những lo sợ nên chúng ta không bao giờ được tự
do. Nhiệm vụ của chúng ta là phải quan sát nó một cách cẩn thận để tìm ra
căn nguyên cấu thành nó.