nhưng nó đã bị hạn chế, bị giới hạn trong phạm vi giáo dục, sự tư lợi của
chúng ta. Trí não trải qua hàng triệu năm tiến hóa đã trở thành như ngày
hôm nay: già cũ, mệt mỏi, rắc rối, xung đột và đau khổ. Trí não là trung
tâm của quá trình tồn tại, là đời sống, là tương lai và là quá khứ của chúng
ta. Trí não đó muốn khám phá một cái gì đó vượt ra khỏi mọi ranh giới,
một cái gì đó vô cùng.
Vậy có thể khám phá được căn nguyên của sự sống, điểm khởi đầu của
mọi sáng tạo không? Chúng ta sẽ khám phá bằng cách theo chân một ai đó
sao? Đó là câu hỏi tôi đặt ra cho bạn. Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Bạn đang
chờ đợi tôi trả lời hay bạn sẽ phát minh ra một Thượng đế mới và cho rằng
chính Thượng đế đã tạo ra tất cả mọi thứ trên đời? Hình ảnh này, hình ảnh
về Thượng đế cũng chỉ là sản phẩm của trí não mà thôi.
Bạn sẽ khám phá bằng cách nào? Tôi để lại câu hỏi này cho bạn nhé!
Bạn sẽ đánh đổi sinh lực, khả năng, nhiệt huyết, lòng đam mê, thời gian để
khám phá nó hay bạn chỉ nói rằng “Ồ, giờ tôi bận bịu quá, tôi sẽ nghĩ đến
việc này vào ngày mai” hoặc “Đó là câu hỏi dành cho thế hệ trước chứ
không phải dành cho thế hệ trẻ chúng tôi”? Bạn sẽ tập trung sinh lực đến
mức nào để khám phá vấn đề này?
Người chất vấn: Đôi khi chúng ta có những trải nghiệm rất thần bí. Nếu
chúng ta không hiểu rõ thực tại làm sao chúng ta có thể biết được những
trải nghiệm đó không phải là ảo tưởng?
Krishnamurti: Bạn trả lời câu hỏi đó thế nào? Nếu câu hỏi đó được đặt ra
cho bạn, bạn sẽ phản ứng thế nào? Việc tìm câu trả lời là việc dễ, những
việc đào sâu vào vấn đề, việc tìm hiểu tất cả mọi biến chứng phức tạp của
nó thì khó khăn như việc nhìn vào tấm bản đồ thế giới, xác định rõ từng
quốc gia, từng thủ đô, từng ngôi làng, từng dòng sông, từng ngọn núi. Bạn
nhìn nhận câu hỏi này như thế nào? Xin đừng vội tìm kiếm câu trả lời. Có
thể câu trả lời cho vấn đề này nằm trong chính câu hỏi.