Trong cơn sốt quân sự hoá, khi sự bồn chồn của quân đội đạt được đỉnh
cao, Mao hỏi tôi một câu đố.
- Hãy suy nghĩ điều này – ông nói – Chúng ta có Liên Xô ở phía bắc và
tây, ấn độ ở về phương nam và Nhật bản ở phương đông. Nếu như tất cả kẻ
thù của chúng ta kết hợp lại và tấn công chúng ta từ phía bắc, nam, đông và
tây, anh nghĩ xem chúng ta cần phải làm gì.
Tôi cũng suy nghĩ rằng Trung Quốc bị kẻ thù bao vây, nhưng không biết
trả lời ra sao, Chúng tôi phải làm cái gì? Tôi nghĩ nát óc cả ngày, nhưng
cũng chẳng tìm ra câu trả lời.
- Hãy nghĩ thêm một lần nữa đi – Mao gợi ý – Sau Nhật bản là Mỹ. Có
phải là tổ tiên chúng ta khuyên là nên hoà hoãn với các nước ở xa và tiến
hành đấu tranh chống các nước ở gần không?
Tôi choáng váng. Báo chí chúng ta đầy các cột chỉ trích người Mỹ. Trung
Quốc đang giúp Việt Nam giờ đây chống Mỹ.
- Liệu chúng ta có thể tiến hành hội đàm với Hoa kỳ được không? – Tôi
hỏi một cách hoài nghi.
- Mỹ và Liên Xô rất khác nhau – Mao giải thích – Mỹ chưa bao giờ
chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc. Tổng thống mới của Mỹ R. Nixon từ lâu
đã giới thiệu mình là người cánh hữu, là người đi tiên phong chống cộng
sản. Tôi thích có công việc với phái hữu. Họ nói cái điều mà họ thực nghĩ –
không như những người cánh tả làm, nghĩ một đằng làm một nẻo.
Cả tôi và Uông Đông Hưng chẳng ai tin Mao. Sự đối kháng tương hỗ
giữa Trung Quốc và Mỹ dẫn đến chiến tranh Triều tiên, sự công kích chống
Mỹ cho đến nay vẫn chưa nguội đi. Đế quốc Mỹ bị buộc tội có ý định thống
trị bằng vũ lực đối với tất cả châu á.
Chủ nghĩa tư bản, chúng ta đã tin, đang suy yếu và chết dần bởi các mâu
thuẫn riêng nội tại.
Nhưng Mao nói hoàn toàn nghiêm túc, và điều này nghĩa là Trung Quốc
đang nằm trong quá trình cải tổ toàn cầu chính sách đối ngoại của mình.