“Tìm một người vừa đẹp vừa giỏi như chị không dễ cho nên…”
“Cho nên còn ‘một mình đối bóng’ chứ gì… Chị thấy Lai đánh giá mình
hơi cao đấy.”
Nói xong Ngọc Thu ngoe nguẩy bỏ đi; Đức Lai hơi sượng sùng nhưng bù
lại chàng ta được dịp nhìn nàng ngắm dáng nàng yểu điệu đi trên bờ ruộng
như múa sạp.
Như thế, không kèn không trống làng Rí đã lại trở thành làng do CS kiểm
soát và tình hình này kéo dài đến giữa năm 1959. Thời kỳ này, chính quyền
Ngô Đình Diệm với đạo luật 10-59 đặt CS ra ngoài vòng pháp luật, tiến
hành việc lấy lại những vùng nông thôn còn bị Việt cộng kiểm soát. Một
vài đồng chí của Tuấn Nhơn ở huyện bị bắt và bị kết án tử hình. Lần này
Tuấn Nhơn, Huy Phụng và cả Văn Cám cùng một số đồng chí phải nhanh
chân chạy vào cứ tránh tội đày hay tội chết. Họ để vợ ở lại làng Rí với hai
con nhỏ.
Đứa con thứ hai của họ sinh ra ít năm sau khi họ về làng hoạt động lại từ
1948 đến 1959. Con thứ hai của Ngọc Thu là Khánh Loan, của Mỹ Xuân
với Văn Cám là Mạnh Lương, của Mỹ Đông với Huy Phụng là Lệ Yến.
Đầu năm 1958, Mỹ Đông sảy thai đứa thứ ba và chết theo con vì bị băng
huyết nặng. Mỹ Xuân phải cưu mang những đứa con của em gái mình. May
có cậu em út thọt chân không lập gia đình cũng không theo Việt cộng phụ
giúp vào việc nuôi con cho hai chị giữa cảnh chiến tranh khói lửa bao trùm
một vùng quê nghèo khổ. Em trai kế Mỹ Đông tên Đức Lai chưa có vợ
cũng chạy vào cứ với anh rể Văn Cám.
Mùa thu năm 1959, Ty giáo dục Quảng Nam cho xây lại ngôi trường tiểu
học đã bị hư hỏng và xuống cấp quá nửa. Đồng thời mở một trường trung
học đệ nhất cấp mà năm đầu tiên chỉ có lớp đệ thất. Sau bốn năm trường sẽ
có đủ bốn cấp lớp từ đệ thất đến đệ tứ. Đời sống của làng Rí được cải thiện
nhiều với dòng điện lần đầu tiên đưa từ huyện về làng. Nhưng trong bóng
tối, trong chỗ thầm kín của mỗi người, những hạt giống của cỏ lùng tai hại
mà bàn tay của CS gieo vãi trong những năm qua đang chờ dịp để nhú mầm