kỳ, sinh viên sẽ được nhận xét về nội dung môn học mình tham gia
và giáo viên dạy môn đó qua hệ thống quản lý của nhà trường. Sinh
viên có thể đưa ra mọi nhận xét vì hệ thống sẽ giấu tên người đó.
Nhà trường sẽ tổng hợp các nhận xét và cho giáo viên dạy môn đó
biết thực trạng, chứ không nêu ra tên sinh viên). Có lần, tôi đã lên
hỏi giáo viên dạy Marketing về việc tại sao ông ấy thờ ơ với việc học
sinh ngủ gật thì ông cười nhạt trả lời: “Có thể do bài giảng của tôi
không hay nên các bạn ấy ngủ gật đấy.”
“Sao thầy không đuổi các bạn ấy về hay yêu cầu tỉnh dậy?”, tôi
lại hỏi.
“Buồn ngủ thì phải ngủ không còn cách nào khác cả. Việc của tôi
chỉ là dạy thôi”, thầy bình thản đáp.
“Giữa dạy học và nghiên cứu việc nào đối với thầy quan trọng
hơn?” Tôi tiếp lời.
“Tất nhiên là nghiên cứu rồi”, thầy cười như thể tôi vừa hỏi một
câu thật ngốc nghếch.
Tôi hơi buồn sau đoạn hội thoại đó nhưng nhận ra một điều
khác biệt trong cách suy nghĩ mà tôi phải chấp nhận. Để là giảng
viên dạy đại học, ít nhất người giảng viên phải có bằng tiến sĩ.
Công việc chính của giáo sư, tiến sĩ ở Nhật là nghiên cứu lĩnh vực
mình quan tâm, viết báo, viết sách. Một tuần các giáo sư trường
quốc lập thường chỉ dạy một vài tiết. Việc dạy và trau dồi cách dạy
làm sao để sinh viên cảm thấy thú vị không phải là công việc của họ.
Họ dạy những gì mình thích, mình am hiểu. Còn sinh viên có quyền
chọn môn của họ hoặc không. Vì thế, cùng một môn học hay một
lĩnh vực mà mỗi thầy dạy khác nhau. Có thầy nhiệt tình vui vẻ với
sinh viên nhưng cũng có người như thầy Marketing tôi vừa kể.