lầm rầm đọc một đoạn kinh văn. Vợ chồng nọ vui mừng khôn tả, chắp tay
tạ ơn, vẻ mặt hân hoan, mãn nguyện khi ra về. Rajiva quay lại nhìn tôi cười
rạng rỡ, rồi tiếp tục bước đi, chốc chốc lại dừng bước đáp lễ với người đi
đường.
Ra khỏi thành Subash là đến cổng chính của khu chùa Cakra phía tây. Ấn
tượng ban đầu của tôi về ngôi chùa này là những vọng lâu được trang trí rất
bắt mắt phía trên bức tường bao quanh. “Khâu Từ có hơn mười nghìn nhà
sư, chiếm một phần mười dân số trong thành”. Chỉ riêng ở chùa Cakra đã
có đến năm nghìn sư. Sự hưng thịnh của Phật giáo ở Khâu Từ được thể
hiện sống động qua hình ảnh ngôi chùa Cakra nguy nga, đồ sộ. Tuy vậy,
thời điểm này vẫn chưa phải là giai đoạn cực thịnh của Chiêu Hộ Li tự.
Quy mô ngôi chùa vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với thời nhà Đường, khi Huyền
Trang đi lấy kinh qua đây. Khi mang thai Rajiva, “năng lực giác ngộ của
Jiva tăng lên gấp bội. Bà nghe danh tiếng ngôi chùa Cakra đã lâu, lại nghe
nói trong chùa có nhiều vị cao tăng đắc đạo, bèn cùng với những tín nữ quý
tộc khác và các ni cô ngày đêm nhang khói lễ bái, ăn chay niệm Phật”. Hẳn
là, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, Rajiva đã “thấm nhuần” giáo lý Phật
pháp. Trí tuệ siêu phàm của cậu ấy phải chăng có được từ bối cảnh đặc biệt
này?
Ý nghĩ đó khiến tôi bật cười.
Chúng tôi bước đến một bức tường thành thấp hình vuông bên ngoài
cổng chính. Bên trong có một điện thờ đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tôi lập tức dập tắt những ý nghĩ lan man, lấy lại tinh thần chuyên nghiệp
thường ngày, chuẩn bị lôi cuốn tập ra và bắt tay vào công việc.
- Ngải Tình, không cần vội. Để tôi đưa cô đi tham quan hết một vòng, rồi
quay lại vẽ cũng chưa muộn.
- Thật không?