Tôi đã nghe đi nghe lại ca khúc “Chiếc lá” này không biết bao nhiêu lần
trong màn đêm tịch mịch. “Tâm hồn dường như đã trôi về tận phương trời
xa xôi nào, em không thấy rõ. Và em biết rằng, em không chỉ để mất anh”.
Mỗi khi nghe đến câu hát này, nước mắt tôi lại trào ra. Em vẫn cảm nhận
được nụ hôn ngọt ngào ấy, nhưng chúng ta đã mất nhau rồi. Em đã đánh
mất những gì? Một mối tình ư? Không, em đã đánh mất cả con tim mình...
Tôi về nhà ăn tết, nhìn thấy vết sẹo trên tay tôi mẹ đã rất xót xa, nhưng
tôi nói dối rằng mình bị ngã. Ăn tết xong, như thường lệ, bố mẹ tổ chức
sinh nhật tuổi hai mươi lăm cho tôi vào ngày mồng mười âm lịch, tôi thổi
nến và ăn bánh ngọt. Vị bơ béo ngậy của miếng bánh khiến tôi bất giác nhớ
những bức vẽ của Rajiva. Không biết bây giờ cậu ấy còn vẽ tôi nữa không?
Không đúng, không đúng, làm gì có “bây giờ”. Mọi thứ liên quan đến cậu
ấy, với tôi, đều đã là quá khứ.
Ăn tối xong, tôi quay lại trường, mọi người đang bận bịu tìm việc làm.
Chuyên ngành của tôi, tốt nghiệp ra trường không dễ xin việc. Ở lại trường
làm giảng viên, xin vào viện nghiên cứu hoặc viện bảo tàng đều không phải
những công việc kiếm ra tiền. Bạn bè tôi, nhiều người không đủ kiên nhẫn,
đã xin vào làm thư ký hoặc nhân viên kinh doanh của một công ty nào đó.
Chủ đề “tương lai” được mọi người bàn tán hết sức sôi nổi mỗi khi nhóm
họp, chỉ mình tôi là không có chút hứng thú nào với chủ đề ấy. Luận văn về
“Thiên Phật động Kizil” của tôi đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi
nổi trong giới học thuật. Thầy hướng dẫn khuyên tôi nên ở lại trường, vừa
làm luận án tiến sĩ vừa dạy học. Tôi không nhận lời ngay vì còn muốn trải
nghiệm cuộc sống “một mình nấu ăn, một mình lang thang, một mình đọc
sách, một mình viết thư, một mình trò chuyện, tâm tình”.
Thời gian chầm chậm trôi qua, những lúc buồn chán, tôi thường lên
mạng đọc tiểu thuyết viết về đề tài “vượt thời gian”, nhưng tôi chỉ chọn
những truyện thật buồn cười. Ví như “Nàng vượt, chàng cũng vượt”, “Khi
nàng gặp chàng”, “Khi nàng X gặp chàng Y”, “Tôi là cụ nội của...”. Đọc