khỏi Trường An. Trên đường trốn chạy, Phù Kiên bị Diêu Trường (thuộc
tộc người Khương) bắt. Và tháng năm năm 385 sau Công nguyên, người
hùng bi kịch của thời kỳ Thập lục quốc – Phù Kiên đã bị giết bởi kẻ tiểu
nhân giậu đổ bìm leo – Diêu Trường. Còn người đàn ông “nhan sắc”
khuynh nước khuynh thành – Mộ Dung Xung, sau khi đánh chiếm Trường
An, đã dung túng cho binh lính giết người cướp của, gây bao tội ác tày trời,
biến vùng đất kinh kỳ trù phú, sầm uất thành địa ngục A Tỳ. Mộ Dung
Xung không dám quay về quê cũ vì sợ thế lực lớn mạnh của người chú ruột
Mộ Dung Thùy. Xưng đế chưa đầy một năm, Mộ Dung Xung bị thuộc hạ
giết chết, khi ấy ông ta mới hai mươi bảy tuổi.
Chuỗi biến cố lịch sử kinh thiên động địa ấy đang diễn ra ở cố đô Trường
An, cách tôi cả ngàn dặm, mỗi khi nghĩ đến, tôi không khỏi xúc động rưng
rưng. Nhưng vì sao Đoàn Nghiệp lại nói với tôi những điều này?
Như đoán được nỗi băn khoăn trong mắt tôi, Đoàn Nghiệp tiếp tục hạ
giọng, nói:
- Lữ tướng quân vẫn chần chừ chưa quyết. Nếu quay về trong bối cảnh
Trường An đang bị vây khốn bởi người Sabir và người Khương như hiện
nay, sẽ rất nguy hiểm. Vả lại, có quay về cũng chỉ hao binh tổn tướng,
chẳng thể lật ngược thế cờ, nên tướng quân không cam lòng. Nhưng nếu
không quay về, một khi vượt qua được kiếp nạn này, Thiên vương ắt sẽ truy
xét tội trạng, tướng quân khó thoát khỏi tội chết.
- Vậy, Đoàn đại nhân mong tôi giúp gì cho ngài?
Tôi điềm tĩnh nhấp một ngụm trà nóng. - Nay pháp sư ngày ngày túc trực
bên tướng quân, nếu có thể, xin pháp sư mượn lời tiên tri thuyết phục Lữ
tướng quân quay về Trường An. Tuy không tín Phật, nhưng tướng quân hẳn
sẽ tiếp nhận những lời tiên đoán.
Tôi chợt nảy ra ý định, hỏi: